Dấu hiệu nhận biết bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do suy mạch vành khá cao, chiếm từ 11% – 36% và đang có dấu hiệu tăng dần mỗi năm. Bài viết này sẽ chia sẻ một số thông tin về đối tượng dễ mắc bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách phát hiện sớm bệnh mạch vành.
Những người dễ mắc bệnh mạch vành
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh lý mạch vành là do mảng xơ vữa làm nghẽn lòng động mạch vành. Các yếu tố nguy cơ chính làm tăng xơ vữa động mạch gồm:
- Tình trạng cao huyết áp
- Bệnh đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Hút thuốc lá
Ngoài ra, những người có các yếu tố dưới đây dễ tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành:
- Tuổi cao: càng lớn tuổi càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm: trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh trước 55 tuổi; hoặc mẹ hay chị em gái bạn có bệnh này trước 65 tuổi.
- Thừa cân – béo phì: người có chỉ số BMI >23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh mạch vành.
- Lối sống ít vận động: tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu), tăng nguy cơ bị bệnh.
- Thường xuyên stress: căng thẳng quá mức sẽ gây tổn hại cho động mạch, tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và chất bột, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra khi ngưng thở lúc ngủ làm tăng huyết áp và gây stress trên hệ thống tim mạch, là yếu tố thuận lợi của bệnh lý mạch vành.
- Một số bệnh nội khoa như suy thận mạn, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì,..), rối loạn lipid máu gia đình,… cũng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Dấu hiệu nhận biết
Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất trong bệnh mạch vành. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng, stress, cơn đau kéo dài vài phút (3 – 5 phút), thường dưới 15 phút và hiếm khi xảy ra chỉ vài giây. Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng. Đặc biệt cơn đau giảm khi ngồi nghỉ hoặc ngậm thuốc nitrate.
Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút, xảy ra lúc nghỉ là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim cấp, cần đến bệnh viện ngay để được điều trị tích cực sớm. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác gợi ý suy mạch vành như: Khó thở, hụt hơi, chóng mặt, hồi hộp tim đập không đều, gần ngất…
Cách phát hiện sớm bệnh mạch vành
Những người có tiền sử bị các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…,người hút thuốc lá lâu năm, béo phì, người mà trong gia đình có người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh mạch vành…là những đối tượng có nguy cơ cao cần được tầm soát thường xuyên bệnh mạch vành để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ở trên nên định kỳ khám chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc bệnh mạch vành.
Đặc biệt những ai có cơn đau ngực cũng nên đến khám chuyên khoa Tim mạch. Bác sĩ khi thăm khám sẽ hỏi kĩ về tình trạng đau ngực, về tiền sử bệnh tật, gia đình, khám lâm sàng, đo huyết áp, làm các xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu…
Kết luận
Bệnh mạch vành là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc đến khám và điều trị, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Hãy nhớ rằng, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người.