Ảnh hưởng của bệnh mạch vành đến các cơ quan khác trong cơ thể
Bệnh mạch vành là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay bệnh mạch vành đang có xu hướng giá tăng về số lượng và trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh trên thế giới và Việt Nam. Hãy cùng nhau tìm hiểu bệnh mạch vành là gì? Triệu chứng và sự ảnh hưởng của nó
Bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành là loại bệnh khi có một hay nhiều các nhánh của động mạch vành bị hẹp hay tắc nghẽn do những mảng bám hình thành và tích tụ bên trong mạch máu.
Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành chia ra các nhánh nhỏ để đưa máu giàu oxy cung cấp từng vùng cơ tim để cơ tim có thể hoạt động bình thường. Vì vậy khi cơ thể mắc bệnh mạch vành thì máu ở mạch vành tới cơ tim sẽ không đủ và không đáp ứng đủ nhu cầu để hoạt động. Nếu tình trạng xảy ra lâu dài có thể dẫn đến suy tim hay nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng của bệnh mạch vành
Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là triệu chứng bệnh mạch vành phổ biến nhất. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi gắng sức, căng thẳng, stress,… Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng
Ngoài ra các triệu chứng khác của bệnh mạch vành là:
Khó thở: người bệnh cảm thấy khó thở, thở không ra hơi, thở gấp. Triệu chứng này tăng dần khi căng thẳng hoặc hoạt động gắng sức. Ngoài khó thở, người bệnh thường cảm thấy tay chân rã rời, mất năng lượng, mất ức
Chóng mặt mệt mỏi: người bệnh có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt thường xuyên hoặc chỉ khi hoạt động gắng sức. Cảm giác mệt mỏi thường đi kèm với choáng váng, chóng mặt do tuần hoàn máu kém, máu nuôi lên não bị thiếu hụt gây ra.
Rối loạn tiêu hóa: người bệnh thường xuyên bị đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng,… Triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn no, nhất là bữa ăn có nhiều chất béo chất đạm hoặc vận động ngay sau khi ăn
Rối loạn nhịp tim: người bệnh có thể nghe rõ tiếng tim đập mạnh và nhanh từng nhịp, cùng với đó là cảm giác run rẩy, bồn chồn, hồi hộp, đánh trống ngực ,..
Bệnh mạch vành ảnh hưởng như thế nào đến các cơ quan khác trong cơ thể?
Hệ thống mạch vành có chức năng chính là cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim để tim hoạt động bình thường. Nên khi mạch vành xảy ra vấn đề thì tim là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên
Khi mạch máu bị tắc nghẽn do lắng đọng cholesterol và sự viêm, sự lưu thông máu đến tim sẽ bị giảm, làm cho tim không thể nhận đủ máu và oxy để hoạt động. Về lâu dài bệnh mạch vành không chỉ gây ra những cơn đau thắt ngực thường xuyên do thiếu lượng khí oxy mà còn dẫn đến những biến chứng mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân vô cùng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim, hay nhồi máu cơ tim:
- Nhồi máu cơ tim: Đây là hiện tượng bong tách của các mảng xơ vữa khỏi thành mạch và tạo thành cục máu đông bịt kín mạch vành và ngăn chặn dòng máu lưu thông. Nếu không được cấp cứu kịp trong trường hợp này thì bệnh nhân tử vong rất nhanh.
- Rối loạn nhịp tim: Bệnh khiến cho tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết nên hoạt động của hệ thống điện tim bị rối loạn làm nhịp tim nhanh quá, chậm quá hoặc hỗn loạn. Một số trường hợp tính mạng người bệnh bị cũng sẽ bị đe dọa do rối loạn nhịp tim.
Tim chính là cơ quan quan trọng bơm máu đi nuôi cơ thể vì vậy tình trạng tim gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể do không đáp ứng được nhu cầu máu và oxy đến từng cơ quan:
- Phổi: Phổi là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên, khi máu bị ứ đọng ở phổi, chức năng hô hấp suy giảm, người bệnh cảm thấy khó thở.
- Não: Do ảnh hưởng của bệnh mạch vành nên lượng máu cung cấp cho não bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng tuần hoàn máu kém gây ra chóng mặt.
- Dạ dày: Cũng như các cơ quan khác khi không được cung cấp máy đầy đủ thì bệnh nhân thường xuyên gặp các vấn đề về dạ dày như đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng,…
Bệnh mạch vành thường gây ra căng thẳng và lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh vì vậy khi có những biểu hiện về bệnh mạch vành trên thì cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám từ bác sĩ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.