Đau họng là gì? Những điều cần biết về đau họng
Đau họng là tình trạng đau rát, khó chịu ở vùng cổ họng, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, nếu như đau họng không được thăm khám và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm họng.
Tổng quan chung về đau họng
Đau họng là tình trạng cổ họng bị đau, rát và có thể kèm nhiều triệu chứng khác. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau họng. Có nhiều nguyên nhân gây đau họng nhưng phổ biến nhất là viêm họng do viêm amidan và viêm VA.
Đau họng là tình trạng thường gặp và đa phần là lành tính. Bất kỳ ai cũng sẽ bị đau họng vào một thời điểm nào đó. Đau họng do các nguyên nhân thông thường như cảm lạnh, nhiễm virus, vi khuẩn thường dễ điều trị và không nghiêm trọng.
Triệu chứng đau họng
Triệu chứng của đau họng có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Khi bị đau họng, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, bỏng rát, khô, kích thích, đau. Những dấu hiệu này tiến triển nặng nề hơn khi người bệnh ăn uống và nói chuyện. Niêm mạc họng và khẩu cái cũng có thể sưng, phù nề và đỏ.
Thỉnh thoảng, các mảng mủ trắng sẽ hiện diện ở niêm mạc miệng và khẩu cái. Dấu hiệu này phổ biến khi bị viêm họng do vi khuẩn streptococcus.
Đi kèm với cảm giác đau họng, người bệnh còn phải trải qua các dấu hiệu như:
- Sung huyết niêm mạc mũi
- Chảy mũi nước
- Hắt xì hơi
- Ho
- Sốt, ớn lạnh
- Sưng hạch bạch huyết vùng cổ
- Khàn tiếng
- Đau nhức cơ toàn thân
- Đau đầu
- Khó nuốt
- Giảm ngon miệng.
Nguyên nhân gây đau họng
Người bệnh bị đau họng do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Cảm lạnh hoặc cảm cúm
Phần lớn, người bệnh đau họng do nhiễm virus sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Lúc này, người bệnh có dấu hiệu thường gặp như chảy mũi nước, sốt nhẹ, hắt xì hơi, ho, mệt. Người bệnh cảm cúm còn sốt cao, đau cơ nhiều hơn. Người bệnh cần đến bác sĩ khám tìm đúng bệnh, bởi nếu đau họng do virus thì uống kháng sinh không có tác dụng điều trị.
- Vi khuẩn Streptococcus
Vi khuẩn này khiến người bệnh có cảm giác đau, sưng, hình thành mủ trắng ở niêm mạc miệng và khẩu cái, sưng hạch bạch huyết vùng cổ và sốt cao. Người bệnh lại không có biểu hiện hắt xì hơi, không chảy mũi nước. Vi khuẩn gây đau họng ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kháng sinh rất chặt chẽ.
- Trào ngược dạ dày thực quản
Người bệnh bị đau họng do nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản dễ bị bỏ sót. Bởi axit từ dạ dày trào lên thực quản sẽ kích ứng họng gây đau. Người bệnh thường ho khan, cảm giác nghẹn cổ họng khó nuốt.
- Dị ứng
Một số trường hợp người bệnh bị dị ứng, hắt xì hơi, chảy nước mũi, chất nhầy từ niêm mạc mũi chảy xuống vùng họng cũng gây đau, kích ứng.
- Thời tiết khô
Không khí khô làm giảm độ ẩm khiến vùng miệng đến họng cảm giác khô, ngứa, thường xảy ra vào mùa lạnh.
- Khói thuốc và hóa chất
Một số yếu tố gây kích ứng vùng họng như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, các sản phẩm làm sạch hoặc các hoá chất tẩy rửa.
- Chấn thương
Những chấn thương trong tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… đề có thể gây đau họng. Thậm chí, nói nhiều, la hét lớn, hát rống quá to, hát trong thời gian dài cũng gây đau họng.
- Khối u
Ở vùng họng, thanh quản hoặc lưỡi là những nguyên nhân hiếm gặp gây đau họng. Nếu họng đau do ung thư gây ra thì không tự hết hay biến mất như bệnh đau họng thông thường.
Đau họng do khối u
Đối tượng nguy cơ bị đau họng
Đối tượng nguy cơ cao bị đau họng bao gồm:
- Người hút thuốc lá
- Người tiếp xúc với hóa chất hoặc khói độc hại
- Người tiếp xúc với hạt bụi hoặc vi khuẩn
- Người tiếp xúc với vi khuẩn và virus
- Người tiếp xúc với khí hậu khô hoặc lạnh
- Người thường xuyên sử dụng giọng hát
- Người tiếp xúc với chất cay, nóng hoặc lạnh
Chẩn đoán đau họng
Việc chẩn đoán nguyên nhân đau họng ban đầu thường được thực hiện bởi bác sĩ Tai Mũi Họng. Khám thực thể bao gồm soi và quan sát họng, sờ nắn hạch cổ, khai thác bệnh sử cá nhân và gia đình, xem họng có dấu hiệu viêm hay không.
Các phương pháp chẩn đoán có thể được sử dụng để tìm nguyên nhân như:
- Nội soi tai mũi họng: để chẩn đoán bệnh, tầm soát khối u vùng tai mũi họng.
- Nội soi dạ dày thực quản: Nếu có bằng chứng đau họng do trào ngược axit dạ dày.
- Sinh thiết khối u: Nếu sờ thấy hạch cổ và nghi ngờ ung thư vòm họng hoặc một loại ung thư vùng đầu cổ khác.
- Chụp X-quang phổi + AFB đàm: Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao nếu nghi ngờ lao phổi.
- Xét nghiệm dịch tiết hầu họng: Nếu nghi ngờ đau họng do nhiễm Covid-19.
- Siêu âm tuyến giáp: nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý tuyến giáp.
Phòng ngừa bệnh đau họng
Để phòng ngừa bị đau họng, mỗi người cần phòng ngừa bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, bệnh trào ngược axit dạ dày, ung thư vòm họng, bằng cách:
- Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cúm
- Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV, là một trong các tác nhân gây ung thư vòm họng;
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh bằng cách mặc ấm, choàng khăn, ăn uống đồ ấm, hạn chế uống nước đá.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia
- Luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt khi đến nơi đông người;
- Hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HPV, tác nhân gây ung thư vòm họng;
- Thực hành thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày;
- Hạn chế ăn các đồ chua, cay, nóng gây kích ứng niêm mạc họng dẫn đến ho và viêm;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng ít nhất mỗi năm một lần để tầm soát ung thư vòm họng;
- Ăn uống điều độ khoa học, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói; không nên nằm ngay khi vừa ăn xong để tránh trào ngược dạ dày, là tác nhân gây đau họng;
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày rất tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
Điều trị đau họng như thế nào?
Hầu hết, người bệnh đau họng có thể được bác sĩ tư vấn điều trị tại nhà, không cần nhập viện và có thể hỏi kỹ bác sĩ để hỗ trợ thêm các phương pháp như:
- Súc họng với nước muối ấm được pha loãng.
- Uống nước ấm như trà mật ong, nước chanh, trà từ thảo mộc để giảm đau họng.
- Sử dụng viên ngậm.
- Siro giảm ho, đau họng.
- Hạn chế nói chuyện.
Trường hợp nếu triệu chứng không thuyên giảm và tình trạng ngày một nặng hơn, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để kiểm tra cụ thể.
Đau họng là tình trạng thường gặp mà trong cuộc đời mỗi người sẽ gặp phải ít nhất một lần. Bài viết trên đã cung cấp một số các thông tin cần thiết về tình trạng đau họng. Hy vọng bạn đọc có thêm nhiều kiến thức để phòng ngừa đau họng và bảo vệ sức khỏe.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.