Herpes môi có nguy hiểm không? Cách điều trị herpes môi
Herpes môi là tình trạng nổi mụn nước ở khu vực da quanh môi. Mụn nước gây phồng rộp và dễ dàng liên kết với nhau để tạo thành các mảng rộp da lớn. Mụn nước thường kèm theo dấu hiệu đau nhức, khó chịu và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Vậy Herpes môi có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Herpes môi là gì?
Bệnh Herpes môi còn được gọi là mụn nước sốt (hay sốt vỉ), là những vết phồng rộp nhỏ thành từng đám trên môi và xung quanh miệng. Bệnh Herpes môi gây ra do virus Herpes simplex (HSV).
Có 2 loại là HSV-1 và HSV-2. Cả 2 loại virus đều có thể gây loét xung quanh miệng (herpes labialis) và trên cơ quan sinh dục (herpes genital).
Vùng da quanh chỗ phồng thường nổi đỏ, sưng lên và đau nhức. Vùng bị phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra ngoài và sau đó đóng vảy sau vài ngày. Tuy nhiên, vết thương thường tự lành trong khoảng vài ngày tới 2 tuần và cũng có thể điều trị tại nhà.
Bệnh phát triển ở cả nam và nữ giới, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh có đường lây phức tạp nên rất khó kiểm soát tốc độ lây lan. Tỷ lệ bị Herpes môi ở nam và nữ giới là như nhau, phổ biến nhất là người đang có hoạt động tình dục không an toàn, đang trong độ tuổi sinh sản.
Herpes môi có nguy hiểm không?
Herpes môi không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nó có thể phát triển đến một số biến chứng nguy hiểm, như viêm não là một ví dụ điển hình. Viêm não không phải là một bệnh lý đơn giản. Kiểm soát viêm não không tích cực, bệnh nhân có thể tử vong. Trong nhiều trường hợp không tử vong, bệnh nhân viêm não vẫn phải hứng chịu nhiều di chứng nặng nề. Trong tất cả các đối tượng có thể bị Herpes môi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính về da (như bệnh chàm) hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm (người bị ung thư hoặc nhiễm HIV/AIDS) là dễ bị biến chứng nhất.
Một điểm nguy hiểm nữa của Herpes môi là: Khi đã nhiễm virus, bệnh nhân sẽ phải sống với chúng mãi mãi. Điều đó đồng nghĩa với việc Herpes môi có thể tái phát đi tái phát lại nhiều lần trong suốt cuộc đời bệnh nhân. Việc tái phát Herpes sẽ gia tăng nếu bệnh nhân: Tiếp xúc toàn thân (đặc biệt là vùng môi) thường xuyên với ánh mặt trời; mắc một bệnh lý khác (như sốt virus, cúm,…); dị ứng thực phẩm; điều trị bệnh lý răng miệng hoặc điều trị các tổn thương vùng môi, nướu; suy giảm miễn dịch; phẫu thuật thẩm mỹ; đang trong giai đoạn rối loạn nội tiết tố (như đang dậy thì, đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh,…); căng thẳng và mệt mỏi.
Cách điều trị herpes môi
Không có cách chữa trị bệnh herpes môi khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục dưới đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Thuốc trị herpes môi dạng mỡ và kem bôi
Bạn có thể kiểm soát cơn đau do mụn nước ở môi và thúc đẩy quá trình chữa lành bằng thuốc mỡ kháng virus, chẳng hạn như penciclovir. Thuốc mỡ sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu được sử dụng ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Thuốc trị herpes môi dạng uống
Herpes môi cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus đường uống, chẳng hạn như acyclovir, valacyclovir và famciclovir. Đây là những loại thuốc kê đơn, do đó bạn cần sử dụng chúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn đang gặp các biến chứng của mụn rộp hoặc bệnh thường xuyên tái phát, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn dùng thuốc liều cao hơn.
Điều trị herpes môi tại nhà
Bạn hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp điều trị herpes môi tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng như:
- Chườm nước đá bọc trong vải (không để nước đá trực tiếp lên da) trên các vết loét 3 lần một ngày, 20 phút mỗi lần để giúp giảm đau.
- Dùng thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau, hạ sốt. Lưu ý, bạn không nên dùng aspirin cho trẻ nhỏ vì nó có liên quan đến hội chứng Reye’s.
- Tránh các loại thực phẩm có vị chua như chanh, cam, quýt.
- Dùng nước súc miệng có chứa baking soda để làm dịu cơn đau miệng
- Dùng gel lô hội hoặc son dưỡng môi lô hội có thể giúp giảm mụn rộp
Ngăn ngừa herpes môi tái phát
Bệnh nhân có thể thực hiện những biện pháp dưới đây để ngăn ngừa tái phát herpes môi:
- Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh: Hệ miễn dịch yếu là một trong những yếu tố góp phần làm tái phát herpes môi. Vì vậy, cần duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.
- Tránh để đôi môi tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá lâu. Nếu có thể, nên sử dụng kem chống nắng cho môi trong mọi thời điểm (bằng son dưỡng môi) và bảo vệ khuôn mặt tránh tác động từ ánh nắng mặt trời.
- Tránh tiếp xúc thân mật (như hôn nhau) với người bệnh Herpes môi, hoặc người có vết loét mụn rộp miệng, hay herpes sinh dục.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm có thể kích thích phát bệnh. Không nên ăn các loại hạt, socola, hoặc gelatin.
- Tránh dùng chung dụng cụ vệ sinh, bao gồm khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, hoặc các đồ dùng cá nhân khác mà người bệnh có thể đã sử dụng.
Đặc biệt với trẻ em cần
- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên.
- Không để trẻ đưa đồ chơi vào miệng.
- Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ với chất khử trùng.
- Nếu trẻ em có biểu hiện mụn vỡ hay rỉ dịch, nên giữ ở nhà cho đến khi thấy mụn nước bắt đầu đóng vảy.
- Không để trẻ em tiếp xúc gần nhau trong khi có mụn rộp và chảy nước dãi không kiểm soát.
- Sử dụng loại găng tay dùng một lần hoặc miếng gạc bông để lấy thuốc mỡ bôi lên vết mụn loét của bé.
Herpes môi là một bệnh lý phổ biến nhưng không quá nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bằng cách hiểu rõ về bệnh, điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn có thể kiểm soát herpes môi hiệu quả và ngăn ngừa tái phát. Hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, giữ vệ sinh cá nhân tốt và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về herpes môi, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ kịp thời. Chăm sóc sức khỏe chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.