Bỏng nắng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Bỏng nắng là hiện tượng phổ biến thường gặp trong mùa hè này. Bệnh gặp khi bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài. Vậy dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bỏng nắng này như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Bỏng nắng là gì?
Bỏng nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 11 phút và da có thể đỏ lên trong vòng 2 – 6 giờ sau khi bị bỏng nhẹ. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 – 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành.
Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, những trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Nếu tình trạng bỏng nắng lặp đi lặp lại có thể gây lão hoá da sớm, hư hỏng DNA trong tế bào biểu bì không được sửa chữa, hình thành những tế bào bất thường dẫn đến nguy cơ ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính (loại ung thư da nguy hiểm nhất). Đây là lý do tại sao việc phòng ngừa bỏng nắng rất quan trọng.
Dấu hiệu của bỏng nắng
Ngoại trừ các trường hợp bị phản ứng nặng, thông thường, triệu chứng và dấu hiệu bỏng nắng xuất hiện trong khoảng 1 – 24 giờ, rõ ràng nhất trong vòng 72 giờ (thường là từ 12 – 24 giờ).
Triệu chứng trên da từ nhẹ đến nghiêm trọng bao gồm ửng đỏ nhẹ, bong vảy da mỏng sau vài ngày, đau, sưng tấy, da trở nên nhạy cảm và hình thành nhiều bọng nước.
Các triệu chứng nặng tương tự như bỏng do nhiệt như sốt, ớn lạnh, suy nhược, sốc có thể tiến triển nếu bệnh nhân bị bỏng nắng diện rộng. Nguyên nhân có thể do sự kích thích giải phóng các cytokine viêm như IL-1.
Các biến chứng phổ biến nhất do bỏng nắng gây ra bao gồm vết nám vĩnh viễn trên da, nhiễm trùng thứ phát và tăng nguy cơ ung thư da.
Da bị bong tróc do bỏng nắng rất dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời trong vài tuần.
Bỏng nắng điều trị như thế nào?
Hạn chế chạm vào vùng bỏng nắng đến khi vết thương được cải thiện.
Bỏng nắng nhẹ
- Chườm nước lạnh bằng khăn sạch để làm mát vùng da bị bỏng. Hoặc tắm nước mát có pha thêm baking soda (khoảng 60g cho mỗi bồn) nếu bỏng trên vùng da lớn.
- Có thể dùng thuốc điều trị tại chỗ như kem dưỡng da dạng nước, lô hội.
- Thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen: Uống càng sớm càng tốt, giúp giảm triệu chứng. Có thể dùng NSAIDs dạng gel bôi ngoài da.
- Trường hợp có bọng nước: xử lý bọng nước tương tự như khi chăm sóc các vết bỏng sâu bằng dung dịch vô trùng và bạc sulfadiazine. Tránh làm vỡ bọng nước, nếu bị vỡ, cần rửa sạch bằng xà phòng loãng và nước. Sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương và băng lại bằng băng không dính.
- Thuốc kháng histamin uống như diphenhydramine có thể giúp giảm ngứa khi lớp da chết bắt đầu bong tróc.
Bỏng nắng nghiêm trọng
- Bệnh nhân bỏng nắng nghiêm trọng không nên tự điều trị mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Corticosteroid toàn thân đường uống: Chỉ định prednisone 20 – 30mg dùng trong 4 ngày đối với người lớn hoặc thanh thiếu niên để điều trị sớm thương tổn bỏng nắng trên diện rộng.
Lưu ý:
- Tránh dùng các thuốc mỡ hoặc dung dịch rửa có chứa thuốc gây tê tại chỗ (ví dụ: Benzocaine) hoặc diphenhydramine vì nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng.
- Không dùng sản phẩm gốc dầu như sáp dầu khoáng (petroleum jelly) khi bệnh nhân bị bỏng nắng nghiêm trọng.
Như vậy, bỏng nắng là một dạng bỏng nhiệt và có thể để lại nhiều biến chứng hơn chúng ta nghĩ. Qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được nguyên nhân và triệu chứng cũng như cách xử lý, phòng ngừa hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.