Sự khác biệt giữa bệnh động mạch vành với động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân tim mạch gây tử vong hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở nam và nữ là tương đương ở người châu Á và ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh, thậm chí cao hơn nam giới. Qua bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về chủ đề bệnh động mạch vành với động mạch ngoại biên và những điều cần biết.
Sự khác biệt giữa bệnh động mạch vành với động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch vành là bệnh của động mạch nuôi dưỡng tim, nguyên nhân do các mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, dẫn đến cơ tim bị tổn thương, gây ra triệu chứng là các cơn đau thắt ngực. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài không được cải thiện, sẽ dẫn đến cơ tim hoại tử, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở tim, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tim do xơ vữa động mạch vành.
Trái lại, bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, do các mảng xơ vữa và huyết khối. Các động mạch đó không bao gồm mạch máu nuôi tim và não. Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên. Về sinh bệnh học, tình trạng tắc nghẽn ở các mạch này cũng tương tự như tắc động mạch vành hay động mạch cảnh. Điểm khác biệt là vùng cấp máu của các động mạch: động mạch vành cấp máu cho cơ tim, động mạch cảnh cấp máu cho não còn các động mạch ngoại biên cấp máu cho các chi.
Bệnh động mạch ngoại biên
Triệu chứng của bệnh
Bệnh động mạch vành
Trong bệnh động mạch vành, các triệu chứng thường gặp bao gồm đau ngực (đau thắt ngực), khó thở, và mệt mỏi. Các triệu chứng xuất hiện khi máu đến cơ tim không đủ, đặc biệt khi bệnh nhân gắng sức hoặc căng thẳng. Thường gặp nhất là các cơn đau thắt ngực:
- Vị trí đau: Thường đau sau xương ức hay vùng giữa ngực, đôi khi đau ở vùng bụng trên khiến cho bạn dễ nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày.
- Tính chất đau: Đau bóp nghẹt như có vật nặng đè lên ngực. Cơn đau xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức, giảm hơn khi nghỉ hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai trái hay tay trái.
- Thời gian đau: Tùy thuộc từng bệnh nhân, cơn đau có thể kéo dài trên 15 phút, thậm chí hàng giờ không thuyên giảm.
Các triệu chứng khác kèm theo: Vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn,…
Bệnh động mạch ngoại biên
Ngược lại, bệnh động mạch ngoại biên thường gây đau cách hồi, chuột rút ở chân hoặc tay, đặc biệt khi vận động. Thông thường, các triệu chứng này sẽ giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Triệu chứng nặng của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi.
- Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành.
- Hoại tử bàn chân, ngón chân.
- Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên.
Phương pháp điều trị
Bệnh động mạch vành
Điều trị các căn bệnh liên quan đến mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu tăng cường cung cấp máu cho tim, giảm triệu chứng và kéo dài đời sống người bệnh, bao gồm:
- Điều trị cơ bản trong tất cả các giai đoạn của bệnh là thay đổi lối sống và dùng thuốc.
- Điều trị can thiệp gồm có nong, đặt stent mạch vành và mổ bắc cầu mạch vành.
Bệnh động mạch ngoại biên
Nguyên tắc điều trị bệnh động mạch ngoại biên là giảm triệu chứng đau và phòng những tiến triển xấu của bệnh như: cắt cụt chân, cơn đau thắt ngực hay đột quỵ. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là thích hợp với bạn dựa trên tình trạng toàn thân và mức độ trầm trọng của bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Trong phần lớn các trường hợp, thay đổi lối sống, tập thể dục và dùng thuốc đều có thể làm chậm sự tiến triển hay đẩy lùi triệu chứng của bệnh. Với những trường hợp tổn thương thiếu máu nặng, tuần hoàn bàng hệ kém, người bệnh có thể được xem xét điều trị bằng phương pháp can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu nối để tránh biến chứng cắt cụt chi.
Không phòng ngừa tuyệt đối được nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm ảnh hưởng của bệnh bằng các biện pháp, như:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol, muối, đường.
- Tập thể dục thường xuyên. Bắt đầu bằng những chuyến đi bộ ngắn và tăng cường lên đến 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần.
Tập thể dục giúp phòng ngừa bệnh tật
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm tra sức khỏe hàng năm tại các cơ sở y tế uy tín.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và các bệnh mạn tính khác.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về bệnh động mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.