Giả dược là gì? Lý giải sự thật khi chữa bệnh bằng giả dược
Giả dược hay còn gọi là Placebo, là một phương pháp sử dụng các viên thuốc không có tác dụng dược lý nhưng vẫn mang lại hiệu quả điều trị kỳ diệu cho người bệnh. Tại sao điều này lại xảy ra và liệu giả dược có thật sự hiệu quả? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Giả dược là gì?
Giả dược hay còn gọi là Placebo Effect, là một loại điều trị không có tác dụng dược lý thực sự, thường được sử dụng trong các nghiên cứu khoa học để kiểm tra hiệu quả của một loại thuốc hay phương pháp điều trị mới.
Giả dược thường được thiết kế để trông giống và cảm nhận như một loại thuốc thật nhưng không chứa thành phần hoạt tính nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiệu quả của giả dược chủ yếu dựa trên niềm tin và kỳ vọng của người bệnh vào việc điều trị, tạo ra một tác dụng tâm lý tích cực dù không có bất kỳ thay đổi sinh học nào.
Giả dược là những viên thuốc nhưng không chứa thành phần dược lý
Cách thức tác động của giả dược đối với cơ thể
Hiệu ứng Placebo có thể tạo ra các tác động đáng kể đến cả tâm lý và sinh lý của cơ thể con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giả dược tận dụng niềm tin và kỳ vọng của bệnh nhân để tạo ra cảm giác cải thiện sức khỏe, dù không chứa bất kỳ thành phần hoạt tính nào. Cụ thể:
Sức mạnh của niềm tin:
Bệnh nhân tin rằng họ đang nhận được một phương pháp điều trị thực sự, từ đó cơ thể họ bắt đầu phản ứng theo chiều hướng tích cực. Khi kỳ vọng cao, cơ thể sản sinh ra các chất như Dopamine và Endorphin, giúp giảm đau và nâng cao tinh thần. Ngược lại, nếu bệnh nhân lo sợ về các tác dụng phụ hoặc không tin tưởng vào liệu pháp, hiệu ứng Nocebo có thể xuất hiện, gây ra các triệu chứng tiêu cực.
Phản xạ có điều kiện:
Hiệu ứng Placebo cũng có thể được so sánh với phản xạ có điều kiện. Nếu bệnh nhân từng trải qua một liệu trình điều trị thành công, họ sẽ dễ dàng có niềm tin vào các phương pháp tương tự trong tương lai. Ngoài ra, khi bệnh nhân nhận ra một môi trường điều trị quen thuộc và tích cực, hệ thần kinh của họ có thể tạo ra các chất hóa học như Endorphin, giúp giảm đau và cải thiện tình trạng bệnh.
Tác dụng theo loại bệnh:
Hiệu ứng Placebo có thể có hiệu quả rõ rệt hơn đối với một số loại bệnh, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến thần kinh và tim mạch. Những bệnh như rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, hoặc các triệu chứng hồi hộp có thể được cải thiện nhờ vào niềm tin và kỳ vọng của bệnh nhân.
Hiệu ứng Placebo không thể chữa trị dứt điểm các bệnh lý, nhưng nó có thể cải thiện các triệu chứng và tạo ra một cảm giác khỏe mạnh cho bệnh nhân. Khi được áp dụng đúng cách, giả dược có thể trở thành một phần hữu ích trong phác đồ điều trị, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình hồi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị bệnh bằng giả dược chủ yếu dựa vào niềm tin mà người bệnh đặt ra
Những yếu tố tác động đến hiệu quả của giả dược khi sử dụng
Hiệu quả của giả dược bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Thuốc dạng viên nang thường tạo ra hiệu ứng mạnh hơn so với thuốc dạng viên nén.
- Thuốc dạng tiêm thường gây hiệu ứng mạnh hơn thuốc dạng uống.
- Uống hai viên thuốc có thể mang lại hiệu quả tốt hơn so với chỉ uống một viên.
- Viên thuốc có kích thước lớn thường có hiệu quả mạnh hơn viên nhỏ.
- Thuốc từ các hãng dược lớn, đặc biệt là từ nước ngoài, thường được bệnh nhân tin tưởng hơn và có hiệu quả cao hơn so với thuốc trong nước.
- Viên thuốc có màu đỏ, vàng hoặc cam thường tạo ra hiệu ứng mạnh hơn.
- Những viên thuốc màu xanh lam và xanh lá cây có tác dụng an thần tốt hơn.
- Hiệu ứng Placebo có thể khác nhau giữa các nền văn hóa và quốc gia, do sự khác biệt về niềm tin và kỳ vọng vào các phương pháp điều trị.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả của giả dược
Tóm lại, sau khi hiểu được rõ hơn giả dược là gì thi có thể thấy rằng, hiệu ứng Placebo là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của tâm trí đối với sức khỏe. Dù không có hoạt chất dược lý, giả dược vẫn có thể mang lại hiệu quả tích cực qua niềm tin và phản ứng sinh lý của cơ thể. Nên khi mắc bệnh mọi người hãy giữ vừng tâm lý thoải mái và tin rằng bệnh tình mình sẽ tốt lên thì cũng sẽ gia tăng cơ hội điều trị khỏi.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.