Giải đáp các câu hỏi thường gặp về vắc xin
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch bảo vệ sức khỏe
Câu 1: Vắc xin là gì?
Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc tương tự vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh, bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các vi rút trong tương lai.
Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.
Câu 2: Trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm các loại vắc xin nào?
Trẻ dưới 1 tuổi có sức đề kháng kém, tiêm phòng vắc xin giúp cơ thể sản sinh ra kháng nguyên chống lại bệnh nguy hiểm. Trẻ cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, cụ thể:
- Vắc xin phòng bệnh lao;
- Vắc xin 6 trong 1 phòng bệnh viêm gan B – bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib;
- Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus;
- Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu;
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu type B+C và type A, C, Y, W;
- Vắc xin phòng bệnh cúm;
- Vắc xin phòng bệnh sởi;
- Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Câu 3: Vắc xin có an toàn không?
Mỗi loại vắc xin được đưa vào sử dụng đều đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài và kỹ lưỡng về tính an toàn, hiệu lực, lịch tiêm, liều lượng và đường tiêm theo quy định. Vì vậy, vắc xin rất an toàn với sức khỏe và để đảm bảo vắc xin hoạt động hiệu quả, mỗi người cần được tiêm vắc xin đúng lịch và đủ liều.
Câu 4: Trì hoãn lịch tiêm chủng cho bé có ảnh hưởng gì không?
Tiêm ngừa vắc xin không đủ liều và không đúng lịch sẽ làm giảm tác dụng của việc tiêm chủng. Tuy nhiên, thời gian tiêm chủng có thể trì hoãn trong trường hợp cần thiết. Nếu trẻ chưa được tiêm, mẹ có thể cho bé tiêm lùi lại sau. Phụ huynh lưu ý đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.
Câu 5: Khi nào nên cho trẻ hoãn tiêm chủng?
Khi trẻ đang có các bệnh lý cấp tính, sốt cao hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, ba mẹ không nên đưa con đi tiêm chủng.
Câu 6: Cần lưu ý những gì sau khi tiêm chủng vắc xin cho bé?
Sau tiêm vắc xin, phụ huynh cần lưu ý tiếp tục theo dõi 24 – 48 tiếng về thân nhiệt, nhịp thở, sự tỉnh táo, ăn, ngủ, quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ, phát ban).
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và thoải mái, duy trì chế độ ăn, bú mẹ bình thường và cho uống nhiều nước hơn. Có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, ibuprofen đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, chườm lạnh giảm đau và giảm sưng tại vết tiêm cho bé.
Nhận biết các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin thường gặp đối với trẻ như sốt nhẹ, vết tiêm bị sưng đau, dị ứng và một số phản ứng khác. Theo dõi liên tục cho bé sau tiêm để xử lý kịp thời, đối với các dấu hiệu bất thường hãy liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn.
Câu 7: Cách xử lý khi bé bị sốt sau tiêm?
Sau khi tiêm 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ C), kèm theo tình trạng quấy khóc. Các mẹ nên cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm nhưng không chườm đá hay nước lạnh. Có thể cho bé uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng, đúng thời gian theo hướng dẫn bác sĩ. Đưa trẻ nhập viện ngay nếu sốt cao liên tục không giảm với thuốc hạ sốt hoặc kèm theo lừ đừ, co giật.
Câu 8: Phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin?
Một số phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin là sốt nhẹ, vết tiêm bị sưng đỏ và đau, mệt mỏi. Tùy cơ địa mỗi người, phản ứng sau tiêm có thể xảy ra ở mức độ khác nhau.
Câu 9: Tiêm vắc xin cho trẻ ở đâu?
Phụ huynh có thể đưa trẻ đến các trạm y tế phường, các đơn vị tiêm chủng của bệnh viện hoặc các phòng tiêm chủng tư nhân. Tuỳ vào loại vắc xin mà không tốn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phụ huynh chi trả phí vắc xin dịch vụ.
Câu 10: Tiêm chủng mở rộng cho trẻ là gì?
Tiêm chủng mở rộng là dự án thuộc chương trình y tế quốc gia triển khai thực hiện với mục tiêu tăng độ bao phủ vắc xin cho tất cả trẻ em, cụ thể trẻ nhỏ trong độ tuổi quy định sẽ được tiêm phòng miễn phí một số loại vắc xin như: viêm gan B, bệnh lao, bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt, viêm màng mủ do Hib, bệnh sởi – rubella hoặc viêm não Nhật Bản…
Câu 11: Không tiêm phòng khi mang thai có sao không?
Có, nếu vì một số lý do mà phụ nữ không tiêm phòng khi mang thai, nếu không may mắc một số bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi rất cao, thậm chí có thể khiến bào thai bị dị tật, ngừng phát triển, chết lưu,…
Do vậy, để suốt quá trình mang thai và làm mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch trước và trong quá trình mang thai là cách đơn giản nhất để bảo vệ mẹ và bé khỏi dịch bệnh nguy hiểm.
Câu 12: Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm các loại vắc xin nào?
Để chuẩn bị quá trình mang thai, người mẹ nên tiêm dự phòng đầy đủ các loại vắc xin trước khi mang thai như viêm gan B, cúm, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella.
Bạn có thể xem thêm: