Hội chứng OCD là gì? Cách chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một căn bệnh tâm lý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người bệnh và cả những người xung quanh. Để có thể hiểu rõ hơn về bệnh hay hội chứng OCD là gì, Pharmacity mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn tâm thần phổ biến
Giải nghĩa bệnh OCD là gì?
OCD là từ viết tắt của cụm từ Obsessive-Compulsive Disorder, còn được biết đến là hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn ám ảnh nghi thức. Đây là dạng rối loạn tâm thần, khiến cho một người có những suy nghĩ ám ảnh cũng như những hành vi cưỡng chế.
- Suy nghĩ ám ảnh (obsessive thoughts): Suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc sự khó chịu lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn, gây ra những cảm giác lo lắng, ghê sợ hoặc khó chịu.
- Hành vi cưỡng chế (compulsive behaviour): Hành vi lặp đi lặp lại, không kiểm soát được và bạn cảm thấy cần phải làm để tạm thời giải tỏa cảm giác khó chịu gây ra bởi những suy nghĩ ám ảnh.
Tuy vậy, không phải ai cũng biết hay có thể hiểu về những cách gọi này. Thay vào đó là những cụm từ địa phương mà mọi người thường dùng để gọi về OCD bao gồm: bị bệnh OCD, bệnh ngăn nắp, bệnh sạch sẽ quá mức, nghiện sắp xếp các đồ vật bằng nhau,…
Bệnh sạch sẽ quá mức là cụm từ địa phương dùng để gọi về OCD
Triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Ngoài thắc mắc OCD là bệnh gì thì nhiều bạn đọc cũng muốn tìm hiểu thêm về các dấu hiệu của căn bệnh này. Trên thực tế, các triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không được nêu cụ thể, tuy nhiên chúng thường có những đặc trưng chung là sự xuất hiện các ý nghĩ và những hành vi vô nghĩa.
Chính những ý nghĩ gây ám ảnh cứ lặp đi lặp lại, bắt buộc họ phải thực hiện những hành vi với tần suất cao một cách vô lý. Tuy vậy, nếu không thể thỏa mãn những hành vi này, họ thường sẽ cảm thấy rất lo lắng và ám ảnh đến mức cưỡng bức họ phải thực hiện điều đó.
Theo các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý, bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có hai đặc trưng, cụ thể là:
Ý nghĩ ám ảnh
Có thể hiểu ám ảnh là những ý nghĩ, hình ảnh hay những suy nghĩ xuất hiện với tần suất lớn, liên tục trong một thời gian dài khiến con người cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, những ý nghĩ này gây ra những sợ hãi mang tính chất hoang tưởng khiến cho người bệnh lo âu quá độ. Chẳng hạn như bệnh nhân sẽ cảm thấy sợ hãi quá mức về sự sạch sẽ hoặc một việc nào đó phải thực sự hoàn hảo và chỉnh chu từng tí một.
Một số chủ đề phổ biến thường bị ám ảnh ở bệnh nhân OCD là:
- Luôn lo sợ cơ thể bị nhiễm vi khuẩn
- Sợ dơ bẩn.
- Sợ gây tổn thương cho người khác.
- Sợ bị làm sai, mắc lỗi.
- Sợ cảm giác không được thừa nhận.
- Quan trọng quá mức về sự chính xác hay sự cân bằng.
- Sự nghi ngờ ở mức độ cao.
Quan trọng quá mức về sự chính xác hay sự cân bằng là chủ đề thường bị ám ảnh bởi bệnh nhân OCD
Hành vi cưỡng chế
Chính những ý nghĩ về một nỗi lo cứ xuất hiện dồn dập và liên tục khiến cho người bệnh phải thực hiện những hành vi mang tính cưỡng chế để có thể giải tỏa ý nghĩ của mình. Những hành động này thường lặp đi lặp lại để có thể ngăn chặn hoặc giảm bớt nỗi lo của người bệnh. Đôi khi, hành vi cưỡng chế được thực hiện nhằm ngăn chặn điều tồi tệ gì đó sẽ không xảy ra.
Điển hình ở bệnh nhân mắc OCD về sự sợ bẩn, họ rửa tay liên tục và thường xuyên kiểm tra xem tay có thực sự sạch chưa để có thể trấn áp nỗi lo sợ của bản thân. Một số người phải rửa tay nhiều đến mức khiến da bị mỏng, đỏ ửng lên thì họ mới yên tâm là đã sạch và đã được loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn.
Một số hành vi ám ảnh cưỡng chế thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc OCD là: Rửa hoặc làm sạch (một bộ phận trên cơ thể hoặc đồ dùng) thường xuyên, đếm, thực hiện kiểm tra nhiều lần liên tục, họ thường yêu cầu về sự chắc chắn, thực hiện một hành đồng với tần suất cao một cách liên tục, đúng vị trí và trật tự.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Ngoài việc mất nhiều thời gian để có thể thực hiện những hành vi thừa thãi và không cần thiết, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn như:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng có thể dẫn đến những lo âu và làm nghiêm trọng chứng trầm cảm sẵn có
- Ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc và các mối quan hệ
- Có đời sống tình dục bất thường đối với người bị ám ảnh về tình dục
- Có khả năng gây hại cho bản thân và người xung quanh (hiếm gặp)
- Tăng những nguy cơ xảy ra các xung đột và không cần thiết trong gia đình
- Gây thay đổi ngoại hình
- Gây lo âu, trầm cảm với những loại rối loạn cưỡng chế nặng.
Nhìn chung, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có khả năng ý thức được sự vô lý hoặc quá mức của các suy nghĩ và hành vi, tuy nhiên không tự chống lại được. Ám ảnh cưỡng chế ít gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, nhưng lại gây ảnh hưởng không ít đến các hoạt động sinh hoạt, học tập cũng như công việc và mối quan hệ xung quanh. Do đó, việc điều trị sớm giúp người bệnh có cuộc sống, sinh hoạt lành mạnh hơn.
Rửa hoặc làm sạch thường xuyên là hành vi ám ảnh cưỡng chế
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Một số nguyên nhân dưới đây có thể là yếu tố gây ra chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế:
- Yếu tố di truyền: Có nhiều khả năng mắc chứng OCD hơn nếu có một thành viên trong gia đình mắc phải bệnh này.
- Não hoạt động bất thường: Một số người mắc chứng ám ảnh cưỡng chế có những vùng hoạt động cao bất thường trong não hoặc mức độ thấp của một chất hóa học gọi là serotonin
- Do sự kiện nào đó trong cuộc sống gây ra: Bạn có thể mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau khi bị lạm dụng, bắt nạt hoặc bỏ rơi, và đôi khi OCD bắt đầu sau sự kiện quan trọng nào đó trong cuộc đời, chẳng hạn như sinh con hoặc mất đi người thân.
- Tính cách: Những người gọn gàng, tỉ mỉ thường sẽ có tiêu chuẩn cá nhân cao sex dễ mắc chứng OCD hơn. Những người thường hay lo lắng hoặc có tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân và những người khác cũng sẽ dễ bị mắc OCD hơn.
Cách chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Đôi khi, rất khó trong việc chẩn đoán OCD bởi các triệu chứng có thể tương tự các dạng rối loạn tâm thần khác (trầm cảm, rối loạn lo âu).
- Đánh giá tâm lý: Điều này bao gồm thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc hay những triệu chứng và kiểu hành vi để có thể xác định xem bạn có bị ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn hay không.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán OCD: Bác sĩ tâm thần thể áp dụng các tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
- Khám sức khỏe thể chất: Điều này có thể được thực hiện để có thể loại trừ các vấn đề khác có khả năng gây ra các triệu chứng của bạn và để kiểm tra xem có bất kỳ biến chứng nào liên quan không.
Hướng điều trị hội chứng OCD
Hai cách điều trị phổ biến nhất thường được áp dụng để giúp trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng OCD bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), clomipramine, cộng với thuốc tăng cường (nếu cần).
Các kỹ thuật trị liệu nhận thức (tái cấu trúc nhận thức) cũng có thể sẽ hữu ích trong việc làm tiêu giảm các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Bài viết trên đã phần nào giải đáp các thắc mắc OCD là gì cũng như các triệu chứng và hướng điều trị hiệu quả. Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân mắc OCD, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.