Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS): Có Thể Ngăn Ngừa Được Hay Không?
Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh là irritable bowel syndrome-IBS) là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân. Có nhiều yếu tố sinh lý liên quan đến triệu chứng này bao gồm: Tăng độ nhạy cảm của ruột và tăng nhu động ruột bất thường. Người bệnh thường bị tái đi tái lại nhiều lần các triệu chứng như: đau quặn bụng, táo bón, tiêu chảy..
Những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý về đường tiêu hóa, thường được biết với tên gọi viêm đại tràng mãn tính, rối loạn đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng.
Hiện tại, y học chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh lý Hội chứng ruột kích thích liên quan đến yếu tố sinh lý và tâm lý xã hội như:
- Yếu tố di truyền.
- Một số loại thực phẩm đối với từng người.
- Rối loạn chuyển hóa Lactose.
- Ảnh hưởng do chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
- Căng thẳng, rối loạn lo âu, mất ngủ. Chất lượng giấc ngủ thấp.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh khi dùng dài ngày.
- Biểu hiện sớm của bệnh viêm ruột, viêm đại tràng.
Các biểu hiện của Hội chứng ruột kích thích: Đau bụng thường xuyên theo từng cơn, kéo dài từ 1-2 ngày, đau nhiều hơn vào buổi sáng, đau ở vùng đại tràng, có thể bị tiêu chảy, táo bón, phân có màng nhầy, không có máu. Đầy hơi, nặng bụng khó tiêu, mót rặn, có cảm giác đi ngoài nhiều lần nhưng không hết.
Đối tượng thường mắc hội chứng ruột kích thích:
IBS thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 18-30 tuổi, nữ giới thường mắc bệnh này hơn nam giới với tỷ lê 2:1, chủ yếu ở những người làm việc văn phòng, cần lao động trí óc.
Hội chứng ruột kích thích IBS có thể phòng ngừa được không?
Hiện tại, chưa có bất cứ nghiên cứu chính xác nào về việc có thể phòng chống Hội chứng ruột kích thích IBS.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi lối sống để phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc Hội chứng ruột kích thích, đặc biệt ở các đối tượng trẻ từ 20 tuổi trở lên.
Cách thay đổi lối sống để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích (IBS)
Chúng ta có thể tham khảo một số cách dưới đây để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ mắc IBS:
Chế độ ăn uống:
- Ăn uống điều độ khoa học,ăn đúng giờ, đúng bữa, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Không ăn quá nhanh.
- Chế độ ăn ít béo hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp sẵn và thức ăn quá chua, quá cay.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ tự nhiên như: rau xanh, bơ, yến mạch, cà rốt, rau xanh…
- Bổ sung thêm một số loại men vi sinh để cải thiện hệ vi sinh đường ruột và hệ tiêu hóa. Uống đủ nước.
- Hạn chế sử dụng nước ngọt có ga, bánh ngọt, các sản phẩm có chất làm ngọt như sorbitol, mannitol, fructose…
- Hạn chế sử dụng một số thực phẩm gây khó tiêu, đầy hơi như: ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, cà chua, nho khô, bông cải xanh và bắp cải. Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ sữa với người bị rối loạn dung nạp Lactose.
Dùng thuốc
- Không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá, cafein.
- Không lạm dụng các thuốc nhuận tràng, hoặc thuốc điều trị tiêu chảy. Chỉ sử dụng khi thật cần thiết và có sự tư vấn của nhân viên y tế.
- Có thể sử dụng thêm tinh dầu như tinh dầu bạc hà để làm giảm tình trạng co thắt và đầy bụng.
Lối sống.
- Có lối sống lành mạnh, thoải mái, thường xuyên tập thể dục và thư giãn nhẹ nhàng.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ. Ngủ sâu và đủ giấc. Tránh căng thẳng lo âu, mệt mỏi.
Tóm lại, chúng ta có thể thay đổi lối sống một cách khoa học để làm giảm các triệu chứng và nguy cơ mắc Hội chứng ruột kích thích IBS.Trong trường hợp có các triệu chứng nặng hơn như: sụt cân, đi ngoài phân đen, nôn ói và đau bụng liên tục… thì cần có sự thăm khám của nhân viên y tế để có thể điều trị kịp thời, tránh làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.