Phụ nữ có thai mắc hội chứng ruột kích thích nên có chế độ ăn như thế nào?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là một tình trạng ảnh hưởng đến đường ruột, gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, táo bón và tiêu chảy. Mắc phải hội chứng ruột kích thích khi mang thai là nỗi ám ảnh của nhiều mẹ bầu. Để cải thiện triệu chứng cũng như phòng ngừa bệnh lý, chúng ta hãy tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho đối tượng này nhé!
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh IBS ở phụ nữ mang thai?
Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa rõ. Bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, một trong những yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ có thai dễ mắc phải IBS như:
- Do tâm lý: Tâm lý người mẹ khi mang thai thường khá bất ổn trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Hầu hết các mẹ sẽ cảm thấy nhạy cảm và thường xuyên suy nghĩ nhiều. Chính điều này là nguyên nhân khiến các mẹ dễ mắc hội chứng ruột kích thích.
- Do chế độ ăn uống chưa hợp lý: ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ dầu mỡ và các thực phẩm gây áp lực cho đường tiêu hóa.
- Do nguyên nhân khác: áp lực của thai nhi lên đường tiêu hóa, lười vận động, nội tiết thay đổi trong quá trình mang thai, tác dụng phụ của thuốc đang dùng, do đã mắc phải hội chứng ruột kích thích trước khi mang thai,..
Các yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho bầu mắc Hội chứng ruột kích thích IBS
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mẹ bầu quản lý IBS và giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu. Vậy hội chứng ruột kích thích ăn gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
- Chất xơ: Chất xơ giúp duy trì sự hoạt động của đường ruột và hỗ trợ tiêu hóa. Người mắc IBS thường cảm thấy những triệu chứng khác nhau khi tiêu thụ chất xơ, do đó cần thử nghiệm để xem loại chất xơ nào phản ứng tốt với cơ thể của mình. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau củ, hạt, ngũ cốc.
- Nước: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng đối với các bầu mắc IBS. Uống đủ nước giúp ngăn ngừa táo bón và giúp duy trì sự mềm dẻo của phân.
- Chế độ ăn uống cân đối: Việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối và đa dạng với đủ chất dinh dưỡng là quan trọng bầu mắc IBS.
- Probiotics: Probiotics là vi khuẩn có lợi cho đường ruột, có thể giúp cân bằng hệ vi sinh trong ruột và cải thiện các triệu chứng của IBS.
- Chú ý đến kích cỡ bữa ăn: Ăn ít và thường xuyên có thể giúp giảm áp lực lên đường ruột và tránh tình trạng đầy hơi. Hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Nhớ rằng mỗi người có cơ địa và phản ứng với thức ăn khác nhau, do đó việc thử nghiệm và điều chỉnh chế độ ăn uống là rất quan trọng đối với người mắc IBS. Đồng thời, việc tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng cũng giúp bạn có được lời khuyên chính xác và phù hợp nhất.
Người mắc IBS cần kiêng các loại thực phẩm nào?
Đối với phụ nữ có thai, việc ăn uống cần chú ý rất nhiều. Phải ăn như thế nào vừa có dinh dưỡng cho hai mẹ con, vừa tránh được các nguy cơ tiềm ẩn gây ra bệnh. Vậy hội chứng ruột kích thích kiêng gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
- Cẩn thận với việc sử dụng gia vị như tiêu, ớt, tỏi, hành và các loại gia vị có thể gây kích ứng cho đường ruột.
- Tránh uống cà phê, rượu và đồ uống có gas.
- Tránh các thực phẩm dễ sinh hơi như: các loại đậu, bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn,..
- Tránh các món ăn khó tiêu hóa như: đồ chiên xào, dầu mỡ, xúc xích, pate, phô mai,…
- Không ăn hoa quả có vị chua vì chúng nhiều acid, không tốt cho tiêu hóa.
- Không sử dụng các sản phẩm chứa Lactose (sữa, phô mai, sữa chua) nếu không dung nạp được lactose.
- Ăn uống trong không khí vui vẻ. Tình trạng căng thẳng có thể làm tình trạng ruột kích thích ở mẹ bầu trở nên tồi tệ hơn vì vậy mẹ bầu cố gắng chú ý đến cảm xúc của bản thân nhiều hơn để tinh thần được thoải mái.
Việc theo dõi cẩn thận những thực phẩm nạp vào cơ thể là cách tốt để phòng ngừa cũng như giảm nhẹ tình trạng của hội chứng ruột kích thích.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.