Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân và bài tập cải thiện nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý xảy ra khi các xung động để tạo nhịp của tim hoạt động không bình thường, tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc bị lỗi nhịp. Để cải thiện bệnh, bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, loại bỏ những yếu tố gây rối loạn nhịp tim, đồng thời thực hiện những bài tập luyện thể dụng để cải thiện nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tần số tim trở nên quá nhanh, quá chậm hoặc có ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang làm cho nhịp tim không còn đều. Một dạng rối loạn nhịp khác do hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương khiến tim co bóp không đồng bộ, làm suy giảm chức năng tim dần hoặc giảm khả năng hoạt động của bệnh nhân.
Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn nhịp tim
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp. Những nguyên nhân đó có thể là những bất thường hoặc bệnh lý của chính tim gây ra hoặc do bệnh lý ở các cơ quan khác làm ảnh hưởng đến nhịp tim như bệnh lý tuyến giáp, suy thận gây rối loạn điện giải. Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Tuy nhiên, một số loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.
Các nguyên nhân gây loạn nhịp tim
- Hoạt động của nút xoang trở nên bất thường hoặc suy yếu.
- Có ổ phát nhịp bất thường khác ở trong tim.
- Có đường dẫn truyền bất thường ở trong tim.
- Hệ thống dẫn truyền bình thường của tim bị tổn thương (bị nghẽn/block).
- Cơ tim bị tổn thương.
- Rối loạn điện giải gây loạn nhịp.
- Do thuốc hoặc độc chất.
- Do bất thường của các cơ quan khác gây ảnh hưởng lên tim (ví dụ như cường giáp).
Các triệu chứng rối loạn nhịp tim
Triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, khó chịu ngực.
Những triệu chứng thường gặp trong rối loạn nhịp tim:
- Hồi hộp
- Cảm giác đánh trống ngực/tim đập mạnh
- Hụt hơi
- Khó thở
- Ran ngực
- Yếu sức
Bên cạnh đó, các triệu chứng liên quan rối loạn nhịp tim cần được lưu ý đặc biệt vì có khả năng bị loạn nhịp nặng bao gồm:
- Đau ngực
- Vã mồ hôi
- Chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mắt
- Gần ngất hoặc ngất
- Mệt đừ
Một số rối loạn nhịp hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe như ngoại tâm thu nhĩ hoặc ngoại tâm thu thất thưa – không triệu chứng. Tuy nhiên, cũng có những loại loạn nhịp có thể làm suy giảm chức năng tim theo thời gian hoặc gây ra các triệu chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Do đó, khi có những triệu chứng nghi ngờ, đặc biệt là triệu chứng nặng như ngất, gần ngất thì bạn cần khám chuyên khoa loạn nhịp tim để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài tập cải thiện nhịp tim hiệu quả, dễ dàng thực hiện
Luyện tập thể dục thể thao là thói quen lành mạnh giúp bạn cải thiện sức khỏe, tăng cường đề kháng cho cơ thể, rất hữu ích đối với sức khỏe tim mạch. Tập thể dục cũng là cách khắc phục tim đập nhanh, đập chậm, không đều – bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ và một số biến chứng khác. Dưới đây là một số bài tập cải thiện nhịp tim hiệu quả, bệnh nhân có thể dễ dàng thực hành tại nhà:
- Aerobic: Là loại hình tập luyện không quá nặng và cần nhiều sức nên rất an toàn đối với những người bị bệnh về tim mạch. Có thể tập luyện khoảng 20-25 phút mỗi buổi tập và nên tập những bài tập nhẹ nhàng khoảng 5 buổi/tuần, không nên tập những bài tập mang tính đột ngột bởi chúng sẽ khiến cho tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn một cách đột ngột.
- Đạp xe đạp: Giúp tăng sức bền cho tim và thúc đẩy cho quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất. Với những bệnh nhân tim mạch, việc đạp xe đạp thể dục tại nhà với máy tập sẽ là phương pháp tập luyện an toàn hơn cả, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết, giao thông và hoàn toàn có thể chủ động được thời gian tập luyện của mình.
- Đi bộ: Giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và cholesterol trong máu. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để đi bộ có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Hay khi bỏ ra 3 tiếng/ tuần để đi bộ thì nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ giảm được 35%.
- Chạy: Là cách tập luyện rất tốt cho người bệnh tim. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng vừa sức và đều đặn. Khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi dừng hẳn. Những buổi tập đầu tiên nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc người yếu thì vài chục mét, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Có thể mỗi tuần chỉ chạy 3 – 4 lần, với điều kiện tổng số chiều dài quãng đường được nâng dần lên.
- Bơi lội: Bơi lội thường xuyên giúp ổn định huyết áp và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Nên bơi khoảng 30-60 phút/buổi, 3-4 buổi/ tuần có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, tiểu đường. Lưu ý, khi đi bơi nên mang theo kính bơi, mũ bơi để đảm bảo an toàn và tốt cho đôi mắt.
Lưu ý luyện tập như thế nào cho phù hợp?
- Với những người có vấn đề về bệnh tim mạch, cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Trước mỗi lần luyện tập cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ-xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động. Bệnh nhân tim mạch cần tránh tập luyện với tinh thần của một “đấu sĩ” vì gắng sức quá sẽ có thể gây nguy hiểm.
- Đối với những người thể trạng yếu, phương thức luyện tập phù hợp là vài phút thì tạm nghỉ bằng thời gian tập hoặc nghỉ gấp đôi thời gian tập, tiếp tục lặp đi lặp lại như thế trong tổng thời gian khoảng 30-40 phút cho một lần tập luyện. Tiến hành tập luyện như thế đến khi thể lực được tăng cường mới lại kéo dài thời gian tập. Điều quan trọng trong tập luyện thể thao không phải là tập nhiều, hết sức mà là duy trì đều đặn, thường xuyên một cách có hệ thống và phù hợp với thể lực của mình.
- Thời tiết cũng là một trong những yếu tố người bệnh cần chú ý. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao làm mau mệt. Vận động trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, có thể khiến cho huyết áp dao động, không ổn định và có thể là yếu tố khởi phát cho những đợt đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.
- Cần lưu ý đến những dấu hiệu của việc vận động quá sức. Nếu cảm thấy chế độ tập luyện quá nặng nên giảm cường độ tập luyện xuống. Trong khi tập, nếu có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ thời điểm nào. Bệnh này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, khi bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Bên cạnh đó, cần tập luyện thể dục với cường độ phù hợp để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.