Tổng hợp 7 bí quyết khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn hiệu quả
Tình trạng trẻ biếng ăn là một vấn đề phổ biến khiến nhiều ba mẹ lo lắng và bối rối. Vậy cần làm gì khi trẻ biếng ăn Trong bài viết này, Pharmacity sẽ chia sẻ cho bạn những bí quyết hữu ích để cải thiện chế độ ăn uống của bé, giúp bé tăng cân một cách hiệu quả.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Biếng ăn là một vấn đề rối loạn ăn uống phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 1 đến 6. Nguyên nhân của tình trạng có thể bắt nguồn từ tâm lý, sức khỏe, môi trường hoặc thói quen ăn uống không tốt. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Thói quen ăn uống xấu: Thói quen này thường được hình thành qua cách cha mẹ chăm sóc trẻ, gồm việc cho trẻ ngậm thức ăn lâu, không nuốt khi ăn hoặc kéo dài thời gian bữa ăn và những hành động này có thể làm trẻ trở nên lười ăn.
- Cho trẻ ăn không đúng lúc: Nếu trẻ cảm thấy no do ăn quá nhiều hoặc ít vận động, việc ép buộc trẻ ăn có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ.
- Trẻ không tập trung ăn: Việc cho trẻ xem TV hoặc chơi đồ chơi trong khi ăn có thể làm mất tập trung và làm giảm khả năng trẻ thưởng thức bữa ăn.
- Trẻ không thích món ăn đó: Việc chiều chuộng trẻ bằng cách cho trẻ ăn món ăn yêu thích có thể làm cho trẻ trở nên kén ăn. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng do trẻ không muốn ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng.
- Vấn đề sức khỏe: Trẻ biếng ăn có thể do nhiều vấn đề sức khỏe như sưng nướu răng, rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh nhiễm trùng.
- Yếu tố tâm lý: Áp lực từ gia đình hoặc môi trường có thể làm cho trẻ căng thẳng và không muốn ăn.
- Yếu tố sinh học và di truyền: Các nghiên cứu cho thấy trẻ biếng ăn có thể có yếu tố di truyền, đặc biệt là trong những gia đình có tiền sử bệnh mạn tính.
Tình trạng trẻ biếng ăn thường do nhiều yếu tố tác động
Biểu hiện của trẻ biếng ăn
Biếng ăn có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:
- Trẻ khóc hoặc tìm cách quấy rối khi bạn chuẩn bị thức ăn.
- Trẻ từ chối ăn một số loại thức ăn hoặc thậm chí không ăn tất cả các loại thức ăn.
- Trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hoặc nuốt.
- Trẻ ăn ít hơn so với mức bình thường.
- Thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài, thậm chí vượt quá 30 phút.
- Có cảm giác buồn nôn khi mẹ chuẩn bị thức ăn.
- Trẻ không tăng cân trong khoảng 3 tháng liên tục.
Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Để giải quyết tình trạng trẻ biếng ăn, các bậc phụ huynh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học và tạo ra môi trường thoải mái nhất để khuyến khích bé ăn. Dưới đây là những biện pháp hỗ trợ để giải quyết tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng
Một trong những cách quan trọng nhất để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ là chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé phải đảm bảo rằng cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn cũng có thể giúp kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự thèm ăn ở trẻ. Do đó, việc tăng cường thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt gà, cá và một số loại rau xanh sẽ là cách hữu ích để hỗ trợ trẻ biếng ăn.
Tránh ép buộc trẻ ăn
Nếu bạn muốn cho bé làm quen với các loại thực phẩm mới, hãy thử cho bé ăn vào buổi sáng. Buổi sáng là thời điểm bé thường cảm thấy đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng thử một món mới.
Nếu trẻ không hợp tác, bạn cũng không nên sử dụng các biện pháp như đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập vì điều này có thể làm tình trạng biếng ăn của bé trở nên trầm trọng hơn.
Ép con ăn là một hành động sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ
Đa dạng thực đơn hấp dẫn cho trẻ biếng ăn
Món ăn cho trẻ nhỏ không chỉ cần đầy đủ dinh dưỡng mà còn cần phải hấp dẫn về hình thức và mùi vị để kích thích sự hứng thú ăn của trẻ. Nếu chỉ sử dụng một số thực phẩm cố định và chế biến chúng theo cách đơn giản thì sẽ làm trẻ chán ăn.
Vì vậy bạn cần thay đổi thực đơn đa dạng và trang trí bắt mắt cho món ăn để thu hút trẻ. Ngoài ra, trong mỗi bữa ăn nên có một món bé thích để kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Không cho trẻ uống nước hay ăn vặt quá nhiều nước trước bữa ăn
Uống quá nhiều nước trước hoặc ăn vặt trước và trong khi ăn có thể làm trẻ cảm thấy no và mất hứng thú với việc ăn. Vì vậy, bạn nên hạn chế việc cho trẻ ăn uống trước khi ăn bữa chính, kể cả khi đó là sữa hay trái cây.
Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và phát triển chậm cũng có thể là vì trẻ không chịu vận động. Do đó ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Ba mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động như ra ngoài chơi, đạp xe, đi bơi hoặc thậm chí là chơi ở sân nhà. Những hoạt động này giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhanh chóng, khiến trẻ cảm thấy đói và có khả năng ăn ngon hơn.
Ba mẹ cần khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để tiêu hao năng lượng và kích thích sự thèm ăn
Cho trẻ ăn đúng giờ
Để tạo ra thói quen ăn lành mạnh cho trẻ, việc ăn đúng giờ và ăn cùng gia đình là rất quan trọng. Bạn có thể đặt ra quy tắc cho con là không được tự tiện ăn bất cứ thứ gì trước khi đến bữa ăn nhẹ và bữa ăn chính.
Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10–15 phút, hãy thông báo cho bé biết rằng đã gần đến giờ ăn. Phương pháp này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống đúng giờ đúng giấc.
Chia nhỏ khẩu phần ăn cho trẻ biếng ăn
Để giải quyết tình trạng biếng ăn của trẻ, bạn có thể chia nhỏ khẩu phần ăn ra thành nhiều phần và cho bé ăn từng chút một trong những khoảng thời gian nhất định. Bạn cũng có thể cân nhắc thay đổi nguyên liệu và cách chế biến mỗi ngày.
Thông qua các thông tin hữu ích trên đây, hy vọng có thể giúp ba mẹ có thể giải quyết triệt để được tình trạng trẻ biếng ăn. Việc duy trì một lịch trình ăn đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.