Kháng sinh cefdinir: Công dụng, liều lượng và xử trí khi quên liều
Thuốc cefdinir thuộc nhóm nào?
Cefdinir là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ ba. Thuốc được chỉ định trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm như viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt cấp của viêm phế quản mãn, viêm xoang cấp tính,…
Hàm lượng và bào chế thuốc
- Bột pha hỗn dịch, thuốc uống: 125mg/5mL, 250mg/5mL.
- Viên nang, thuốc uống: Cefdinir 300mg, 125mg, 100mg, 250mg.
Chỉ định
Thuốc Cefdinir được chỉ định để điều trị bệnh nhân bị nhiễm trùng nhẹ đến trung bình gây ra bởi các chủng vi khuẩn gồm:
Người lớn và thanh thiếu niên
- Viêm phổi do Haemophilus Influenzae, Haemophilus Parainfluenzae, Streptococcus Pneumoniae, Streptococcus Pneumoniae.
- Viêm phế quản mãn tính gây ra bởi Haemophilus Enzae, Haemophilus Parainfluenzae, Streptococcus Pneumoniae, Moraxella Catarrhalis.
- Viêm xoang mũi cấp tính do Haemophilus Enzae, Streptococcus Pneumoniae và Moraxella Catarrhalis.
- Viêm họng/viêm amidan do Streptococcus Pyogenes.
- Nhiễm trùng cấu trúc da, không biến chứng gây ra bởi Staphylococcus Aureus và Streptococcus Pyogenes.
Trẻ em
- Viêm tai giữa do vi khuẩn cấp tính Haemophilus Enzae, Streptococcus Pneumoniae, Streptococcus Pneumoniae.
- Viêm họng/viêm amidan do Streptococcus Pyogenes.
- Nhiễm trùng cấu trúc da gây ra bởi Staphylococcus Aureus và Streptococcus Pyogenes.
Chống chỉ định
Thuốc Cefdinir chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với thành phần thuốc.
- Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile.
- Suy thận nặng.
- Người dị ứng với: Cephalosporin, Beta Lactams.
Nên dùng thuốc cefdinir như thế nào?
Liều lượng
Liều lượng sử dụng Cefdinir còn phụ thuộc vào vấn đề cần điều trị và tình trạng sức khỏe. Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ để được chỉ định cụ thể, không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh.
Dưới đây là liều lượng tham khảo:
Viêm phổi
- Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 300mg mỗi 12 giờ trong 5 – 10 ngày hoặc 600mg mỗi 24 giờ trong 10 ngày.
Viêm xoang mũi cấp tính
- Người lớn: 300mg uống mỗi 12 giờ hoặc 600mg uống mỗi 24 giờ trong 10 ngày.
- Trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi: 7mg/kg uống mỗi 12 giờ hoặc 14 mg/kg uống mỗi 24 giờ trong 10 ngày. Liều tối đa: 600mg/ngày.
Nhiễm trùng cấu trúc da, không biến chứng
- Người lớn: 300mg uống mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi: 7mg/kg uống mỗi 12 giờ trong 10 ngày. Liều tối đa: 600mg/ngày.
Viêm họng/viêm amidan
- Người lớn: 300mg uống mỗi 12 giờ trong 5 đến 10 ngày hoặc 600 mg uống mỗi 24 giờ trong 10 ngày.
- Trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi: 7mg/kg uống mỗi 12 giờ trong 5 – 10 ngày hoặc 14mg/kg uống mỗi 24 giờ trong 10 ngày. Liều tối đa: 600mg/ngày.
Viêm tai giữa cấp tính
- Trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi: 7 mg/kg uống mỗi 12 giờ trong 5 – 10 ngày hoặc 14 mg/kg uống mỗi 24 giờ trong 10 ngày. Liều tối đa: 600 mg/ngày.
Viêm phế quản mãn tính
- Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 300mg mỗi 12 giờ trong 5 – 10 ngày hoặc 600mg mỗi 24 giờ trong 10 ngày.
Với người bị suy thận, liều lượng sẽ được thay đổi phù hợp như sau:
- CrCl <30 mL/phút (người lớn): Không vượt quá 300mg/ngày.
- CrCl <30 mL/phút (trẻ em): 7mg/kg mỗi 24 giờ; không vượt quá 300mg/ngày.
Cách dùng Cefdinir
Dùng thuốc Cefdinir thông qua đường uống, kèm hoặc không kèm với thức ăn, thường một lần một ngày, hoặc hai lần một ngày sau mỗi 12 giờ đồng hồ, hoặc theo như sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Liều lượng thuốc Cefdinir được dựa trên tình trạng bệnh lý và khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Không được dùng thuốc nhiều hơn liều lượng tối đa được khuyến nghị là 600mg/ngày.
Thuốc kháng sinh hoạt động hiệu quả nhất khi nồng độ thuốc được duy trì ở mức ổn định. Vì vậy, hãy dùng thuốc Cefdinir vào các khoảng thời gian cân bằng nhau.
Tiếp tục dùng thuốc Cefdinir cho đến hết liều lượng được chỉ định, cho dù các triệu chứng bệnh có biến mất chỉ sau vài ngày điều trị. Việc ngưng sử dụng thuốc Cefdinir quá sớm có thể làm cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, điều này có thể dẫn đến sự tái phát của căn bệnh nhiễm trùng.
Một số loại thuốc có thể kết hợp với cefdinir và làm ngăn chặn sự hấp thu đầy đủ của Cefdinir. Nếu bạn đang dùng thuốc antacids có chứa magie hoặc nhôm, thuốc bổ sung chất sắt, hoặc các sản phẩm vitamin/khoáng chất, hãy dùng những loại sản phẩm này cách Cefdinir ít nhất là 2 giờ đồng hồ.
Tác dụng phụ của thuốc cefdinir
- Tác dụng hiếm gặp: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, nổi mẩn, viêm âm đạo;
- Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Đầy hơi, khó tiêu, biếng ăn, táo bón, nôn mửa, phân khác thường, suy nhược, mất ngủ, chóng mặt, ngủ gà, ngứa ngáy.
Cách xử trí đối với một số trường hợp sử dụng thuốc
Quá liều Cefdinir
Chưa có các thông tin về quá liều lượng với Cefdinir ở người. Trong các nghiên cứu về độc tính cấp trên loài gặm nhấm, liều uống duy nhất 5600 mg/kg không gây ra tác dụng bất lợi nào. Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc sau khi sử dụng quá liều với các kháng sinh họ beta lactam khác bao gồm: Buồn nôn, nôn, đau thượng vị, đi ngoài và co giật.
Trong trường hợp bị ngộ độc nặng do quá liều lượng, thẩm tách máu có thể giúp loại trừ cefdinir ra khỏi cơ thể. Điều đó có thể có ích trong trường hợp ngộ độc nặng do sử dụng quá liều, đặc biệt nếu chức năng thận bị suy giảm. Vài kháng sinh cephalosporin đã có liên quan tới việc kích thích các cơn động kinh, đặc biệt ở các bệnh nhân bị suy thận mà không được giảm liều lượng. Nếu động kinh xuất hiện kèm theo với việc dùng thuốc, cần ngưng thuốc. Có thể sử dụng điều trị chống co giật nếu có chỉ định lâm sàng.
Quên liều
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc?
Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefdinir ở những người bệnh sau đây:
- Người bệnh từng có tiền sử mẫn cảm với kháng sinh nhóm penicilin
- Người bệnh có khuynh hướng mắc phản ứng dị ứng hoặc người thân trong gia đình có phản ứng dị ứng như mày đay, phát ban hoặc hen phế quản
- Người bệnh mắc rối loạn về thận
- Người suy dinh dưỡng theo đường miệng hoặc cần bồi dưỡng theo đường tiêm truyền, thể trạng suy nhược.
- Người cao tuổi: Điều trị bằng thuốc Cefdinir ở người bệnh cao tuổi phải điều chỉnh liều dùng và khoảng cách dùng thuốc, dựa vào trạng thái người bệnh và các nhận xét cẩn thận về lâm sàng.
Thuốc cefdinir tương tác với những thuốc nào?
Quá trình bài tiết của Cefdinir có thể giảm khi sử dụng với các thuốc sau: Aspartame, pravastatin, cefotiam, baclofen, liothyronine, doxycycline, indomethacin, digoxin, aminohippuric acid…
Câu hỏi liên quan
Người bị viêm đại tràng có sử dụng Cefdinir được không?
Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có tiền sử mắc viêm đại tràng.
Sử dụng đồng thời Cefdinir với sắt thì ảnh hưởng gì?
Sử dụng đồng thời cùng thuốc Cefdinir làm giảm hấp thu lượng sắt trong cơ thể. Vì vậy, trường hợp cần bổ sung sắt trong thời gian điều trị bằng Cefdinir cần uống sắt ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống Cefdinir.