Mãn Kinh Muộn: Tốt Hay Không Tốt?
Mãn kinh muộn có phải bệnh lý?
Mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Mãn kinh là tình trạng ngừng kinh nguyệt do mất chức năng noãn, khiến cơ thể phụ nữ không còn diễn ra quá trình rụng trứng và ngưng sản xuất các loại nội tiết. Phụ nữ thời kỳ mãn kinh sẽ có biểu hiện: bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, gián đoạn giấc ngủ,… Điều này đồng nghĩa với việc mãn kinh là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ.
Mãn kinh thường qua 2 giai đoạn:
- Tiền mãn kinh: thường xảy ra ở độ tuổi từ 45-50, có thể kéo dài 2-3 đến 5 năm tùy người, tiền mãn kinh xảy ra khi hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm dẫn đến sự mất cân bằng các hormon sinh dục nữ: estrogen và progesteron, dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài.
- Mãn kinh thường ở lứa tuổi từ 50 đến 55 tuổi, do buồng trứng ngừng hẳn hoạt động, lúc này kinh nguyệt sẽ mất hẳn và người phụ nữ không còn khả năng sinh sản.
Những người phụ nữ mãn kinh sau tuổi 55 được coi là mãn kinh muộn. Mãn kinh muộn thực chất là quá trình mãn kinh bình thường, chỉ khác ở độ tuổi trễ. Vì thế mãn kinh muộn không phải là bệnh lý nên chị em phụ nữ không cần quá lo lắng khi thấy mọi người đã mãn kinh mà mình vẫn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây ra mãn kinh muộn
Nguyên nhân gây ra mãn kinh muộn hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng quỹ trứng ở mỗi người phụ nữ là khác nhau, một số người có thể ít hơn và sự tự tiêu của trứng cũng ít hơn người khác nên dẫn đến mãn kinh muộn.
Bên cạnh đó, việc hoạt động của buồng trứng kéo dài cũng có thể do những bất thường ở buồng trứng như khối u hoặc hormone thay đổi liên tục ở phụ nữ mãn kinh muộn.
Một số trường hợp đã mãn kinh vài năm nhưng vẫn xuất hiện kinh nguyệt trở lại chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên cũng có thể có một số yếu tố làm ảnh hưởng đến thời gian mãn kinh muộn như:
- Yếu tố di truyền: Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định độ tuổi mãn kinh. Nếu mẹ hoặc bà của bạn trải qua mãn kinh muộn, có khả năng bạn cũng sẽ như vậy.
- Lối sống: Một số nghiên cứu cho thấy lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục thường xuyên, có thể kéo dài chu kỳ kinh nguyệt.
Mãn kinh muộn có tốt không?
Lợi ích của mãn kinh muộn đối với phụ nữ:
- Kéo dài khả năng sinh sản hơn
Khi bước vào giai đoạn mãn kinh đồng nghĩa với việc người phụ nữ mất đi khả năng sinh sản nên những người mãn kinh sớm sẽ mất khả năng sinh sản sớm hơn người mãn kinh muộn. Vì thế phụ nữ mãn kinh muộn sẽ kéo dài thời gian sinh sản hơn. Với phụ nữ hiếm muộn hoặc kết hôn muộn thì đây là tin vui khi có thể kéo dài thời gian sinh con.
- Đời sống tình dục tốt hơn
Phụ nữ đã mãn kinh có lượng nội tiết tốt bị suy giảm, âm đạo cũng khô hạn, kém đàn hồi,… nên đời sống tình dục thường không cảm thấy hứng thú. Ở phụ nữ mãn kinh muộn thì đời sống tình dục thường thăng hoa hơn nhờ lượng hormone trong cơ thể giúp họ duy trì ham muốn, âm đạo cũng ẩm ướt, cơ chết tiết chất nhờn khi quan hệ cũng tốt hơn.
- Tăng tuổi thọ
Nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ mãn kinh muộn có tuổi thọ cao hơn do ít gặp các vấn đề về tim mạch, xương khớp, huyết áp,… Nội tiết tố nữ được dùy lâu hơn ở phụ nữ mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân giúp sức đề kháng được tăng cường hơn
- Giúp phụ nữ trẻ lâu hơn
Mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, hoạt động của buồng trứng suy giảm, nội tiết tố nữ cũng suy giảm kéo theo da dẻ sần sùi, nám da, nếp nhăn nhiều hơn,…ở phụ nữ đã mãn kinh. Phụ nữ mãn kinh muộn duy trì được lượng nội tiết tố nữ dài hơn nên sẽ giúp họ hạn chế được nếp nhăn, nám da, sần sùi da, từ đó giúp họ trẻ lâu hơn.
- Giảm nguy cơ loãng xương:
Sự sản xuất hormone estrogen kéo dài có thể giúp bảo vệ xương, giảm nguy cơ loãng xương.
- Giữ gìn sức khỏe tim mạch:
Estrogen có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Bên cạnh đó mãn kinh muộn cũng có thể gây ra một số nguy cơ cho phụ nữ:
- Tăng nguy cơ ung thư vú:
Việc tiếp tục sản xuất estrogen có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
- Nguy cơ bệnh phụ khoa:
Mãn kinh muộn cũng có thể liên quan đến một số bệnh phụ khoa như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
Kết Luận
Mãn kinh muộn là một hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ, không phải là bệnh lý. Tuy nhiên, nó có thể mang lại cả lợi ích và nguy cơ cho sức khỏe. Việc duy trì một lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng để quản lý tốt giai đoạn này. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào, hãy thảo luận với bác sĩ để có được lời khuyên và hỗ trợ kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.