Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mãn kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chăm sóc sức khỏe
Mãn kinh là thuật ngữ không hề xa lạ với nữ giới nhưng để giải thích mãn kinh là gì thì nhiều người không hình dung được. Thực chất mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên từ thời kỳ sinh sản sang thời kỳ ngừng sinh sản để bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc đời người phụ nữ.
Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là tình trạng ngừng kinh nguyệt vĩnh viễn (vô kinh) do mất chức năng nang noãn. Các biểu hiện lâm sàng có thể bao gồm:
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm
- Gián đoạn giấc ngủ
- Hội chứng tiết niệu sinh dục của thời kỳ mãn kinh (các triệu chứng và dấu hiệu do thiếu hụt estrogen, chẳng hạn như teo âm hộ-âm đạo).
Triệu chứng mãn kinh
Mỗi người phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh với những biến đổi khác nhau và mốc thay đổi cũng không giống nhau. Có người bắt đầu thời kỳ này từ 30 – 40 tuổi nhưng lại có người đến trên 60 tuổi mới bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, độ tuổi mãn kinh phổ biến nhất là 50 – 51 tuổi.
Tùy cơ địa của từng người mà dấu hiệu mãn kinh cũng có sự khác nhau. Có người chỉ xuất hiện vài hiện tượng nhẹ nhàng nhưng có người lại trải qua rất nhiều cơn dư chấn tâm lý.
Dấu hiệu mãn kinh phổ biến:
- Chu kỳ kinh bất thường.
- Khả năng sinh sản giảm.
- Âm đạo có nhiều biến đổi.
- Xuất hiện các cơn bốc hỏa khiến cho nữ giới có cảm giác mặt nóng bừng bừng.
- Hay đổ mồ hôi trộm buổi đêm.
- Giấc ngủ bị rối loạn.
- Thay đổi về tính khí và vẻ bề ngoài.
Nguyên nhân
Sở dĩ nữ giới xuất hiện thời kỳ mãn kinh là bởi:
Độ tuổi
Mãn kinh là một giai đoạn sinh lý tự nhiên hết sức bình thường trong cuộc đời của người phụ nữ. Vì thế, mãn kinh cũng là một trong các giai đoạn giống như giai đoạn dậy thì, sinh sản và tiền mãn kinh.
Phẫu thuật cắt tử cung – hai buồng trứng
Nếu tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung mà vẫn giữ lại các buồng trứng thì mặc dù chu kỳ kinh nguyệt không còn nhưng phụ nữ vẫn sẽ không mãn kinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do hai buồng trứng vẫn có khả năng phóng thích nang trứng.
Tuy nhiên, khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hai buồng trứng và tử cung thì phụ nữ sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường và bỏ qua thời kỳ tiền mãn kinh. Lúc đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ biến mất hoàn toàn và người phụ nữ sẽ xuất hiện các dấu hiệu mãn kinh.
Xạ hoặc hóa trị liệu
Những liệu pháp điều trị ung thư có thể thúc đẩy thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn dự kiến. Trong trường hợp này thì mãn kinh thường xảy ra từ từ cùng thời kỳ tiền mãn kinh trong khoảng vài tháng cho tới vài năm trước khi thực sự xảy ra mãn kinh.
Buồng trứng bị suy sớm
Buồng trứng là cơ quan sinh sản đảm nhận vai trò nuôi dưỡng trứng trưởng thành để rụng rồi kết hợp với tinh trùng để xảy ra quá trình thụ thai. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, sẽ đến lúc buồng trứng bị lão hóa. Tuy nhiên, nếu buồng trứng bị lão hóa trước tuổi thì hoạt động chức năng ở người phụ nữ cũng sẽ ngừng trước độ tuổi 40.
Nội tiết tố nữ suy giảm
Bắt đầu từ 30 tuổi trở đi, lượng hormone trong cơ thể nữ giới sẽ dần dần suy giảm và đến tuổi mãn kinh nó sẽ sụt giảm mạnh.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng có nguy cơ mãn kinh sớm gồm:
- Người thực hiện hóa/xạ trị
- Hút thuốc nhiều
- Nghiện rượu
- Rối loạn miễn dịch
- Phẫu thuật cắt tử cung nhưng vẫn còn 2 buồng trứng.
Chẩn đoán
- Tiền sử kinh nguyệt
- Hiếm khi có nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH)
Tiền mãn kinh có thể xảy ra ở những bệnh nhân ở độ tuổi 40 có các triệu chứng và dấu hiệu tiền mãn kinh. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến việc mang thai, vô kinh do nguyên nhân khác hoặc chảy máu tử cung bất thường do ung thư tử cung. Nên nghi ngờ suy buồng trứng nguyên phát ở phụ nữ vô kinh kéo dài < 40 tuổi.
Thời điểm ngừng hoạt động của buồng trứng được phân loại theo độ tuổi như sau:
- Mãn kinh sớm: < 40 tuổi
- Mãn kinh: 40 – 55 tuổi
- Mãn kinh muộn: > 55 tuổi
Chẩn đoán mãn kinh dựa vào lâm sàng; tình trạng này được xác nhận khi một phụ nữ không có kinh trong 12 tháng và không có nguyên nhân nghi ngờ nào khác.
Teo âm hộ – âm đạo khi khám vùng chậu hỗ trợ chẩn đoán.
Có thể xét nghiệm nồng độ FSH, nhưng xét nghiệm này hiếm khi cần thiết, ngoại trừ ở phụ nữ đã cắt bỏ tử cung và ở những phụ nữ trẻ hơn tuổi mãn kinh bình thường. Một phép đo đơn lẻ có thể không mang lại nhiều thông tin vì mức độ dao động trong quá trình chuyển đổi mãn kinh. Nồng độ cao xác nhận mãn kinh.
Phòng ngừa bệnh
Cũng như các giai đoạn trước, bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể nữ giới cũng sẽ đứng trước hàng loạt nguy cơ rối loạn. Nếu biết cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì sẽ giảm thiểu được tối đa tình trạng này. Dưới đây là một vài biện pháp:
- Có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và dinh dưỡng thật khoa học ngay khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
- Tăng cường ăn các loại rau củ quả, nhất là thực phẩm giàu canxi, omega-6, omega-3 và vitamin D.
- Duy trì sự dẻo dai cho hệ xương bằng cách tập thể dục đều đặn.
- Sử dụng chất bôi trơn để giảm cảm giác đau khi quan hệ tình dục vì lúc này âm đạo bắt đầu có hiện tượng khô teo.
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời bệnh lý phụ khoa và tầm soát bệnh ung thư phụ khoa.
- Tham vấn ý kiến bác sĩ về việc sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế dài lâu để điều trị triệu chứng mãn kinh.
Điều trị
Các giải pháp giảm thiểu và điều chỉnh triệu chứng có thể kể đến:
Liệu pháp hormone thay thế
Thường được chỉ định trong điều trị cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Tùy vào tình trạng cá nhân, mức độ triệu chứng và tiền sử gia đình mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại Estrogen nào với liều lượng ra sao.
Khi sử dụng liệu pháp hormone, chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc não, thuyên tắc phổi… gây nguy cơ tử vong đột ngột. Ngoài ra, việc tự ý sử dụng liệu pháp hormone trong thời gian dài cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú…
Thuốc bôi âm đạo
Thuốc được chỉ định để giảm khô âm đạo, ngăn ngừa việc rách hoặc chảy máu khi phụ nữ quan hệ tình dục. Thuốc có thể ở dạng viên, gel hoặc vòng đặt âm đạo. Tốt nhất, phụ nữ nên tham khảo và tuân thủ liều lượng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế những rủi ro sức khỏe.
Sử dụng thuốc đặc trị
Trong những trường hợp phụ nữ không đáp ứng với liệu pháp hormone thay thế, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc đặc trị phù hợp với triệu chứng của mãn kinh, chẳng hạn như nhóm thuốc Serotonin giúp giảm cơn bốc hỏa, thuốc điều trị loãng xương, thuốc giảm rụng tóc…
Thuốc điều trị và ngăn ngừa loãng xương
Tuổi mãn kinh nồng độ Estrogen suy giảm nghiêm trọng sẽ gia tăng nguy cơ loãng xương, vì thế bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc chứa vitamin D và canxi nhằm mục đích điều trị, kết hợp phòng ngừa tình trạng loãng xương khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ cần tuân thủ đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.