Mổ ruột thừa nội soi là gì? Cận cảnh quy trình phẫu thuật
Hiện nay, với kỹ thuật công nghệ hiện đại nên việc mổ ruột thừa không còn là nỗi sợ hãi của nhiều người. Trong đó, thủ thuật mổ ruột thừa nội soi thường được nhiều người lựa chọn. Bởi vì phương pháp này sẽ giúp rút ngắn thời gian hồi phục, ít đau và không để lại sẹo sau phẫu thuật.
Mổ ruột thừa nội soi là gì?
Trên thực tế, người bình thường sẽ không cần cắt bỏ ruột thừa, nhưng khi bộ phận này bị viêm thì phải có sự can thiệp của phẫu thuật. Bởi chúng có thể bị vỡ, gây nhiễm trùng ổ bụng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngày nay, có 2 phương pháp chính để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, đó là mổ mở và mổ nội soi. Trong đó, mổ ruột thừa nội soi là phương pháp phẫu thuật ngoại khoa, được thực hiện bằng cách tạo ra một vài vết rạch nhỏ ở bụng, đưa ống nội soi cùng với các dụng cụ khác vào trong, bắt đầu quan sát và cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm.
Vậy, viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không? Hầu hết nếu bạn đã bị viêm ruột thừa thì dù mức độ nhẹ hay nặng đều sẽ cảm giác đau, khó chịu và cần được tiến hành phẫu thuật ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sau này.
Cận cảnh quy trình phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi
Để hiểu rõ hơn về phương pháp mổ ruột thừa bằng phương pháp phẫu thuật hiện đại, bạn có thể tham khảo các bước sau:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn mổ, được bác sĩ gây mê toàn thân trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật.
- Bước 2: Các bác sĩ sẽ bắt đầu rạch 1 đường khoảng 1cm gần rốn của bệnh nhân, đưa dụng cụ trô-ca (Trocart) vào bên trong để thiết bị mở ra một lỗ nhằm giúp bơm khí CO2 bên trong bụng.
- Bước 3: Sử dụng một camera nhỏ chuyên dụng trong y khoa, đưa qua ống trô-ca nhằm giúp bác sĩ nhìn rõ hơn về các cơ quan phía trong.
- Bước 4: Lần lượt các dụng cụ khác cũng được đưa qua vết rạch từ 0,5 – 1cm để tiến hành cắt bỏ phần ruột thừa đã bị viêm.
- Bước 5: Bác sĩ lấy đoạn ruột thừa bị viêm ra khỏi khu vực ổ bụng. Tiếp theo, bắt đầu kiểm tra xem có xuất hiện biến chứng hay dấu hiệu nhiễm trùng nào không.
- Bước 6: Các dụng cụ dùng phẫu thuật được rút ra dần khỏi ổ bụng. Cuối cùng, bác sĩ sẽ khâu lại những vết rạch và đưa bạn đến phòng hồi sức để tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe.
Ưu điểm của phương pháp cắt ruột thừa nội soi
Ngày nay có rất nhiều người lựa chọn phương pháp phẫu thuật mổ ruột thừa nội soi, bởi chúng có những ưu điểm nổi bật như:
- Giúp bạn vệ sinh vết mổ một cách dễ dàng và đơn giản.
- Không gây cảm giác đau nhiều hơn so với phương pháp mổ hở.
- Thời gian phục hồi nhanh chóng.
- Vết mổ nhỏ, không để lại sẹo nên mang tính thẩm mỹ cao.
- Độ an toàn được đảm bảo, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là người béo phì, người thừa cân hay người lớn tuổi.
Những biến chứng khi mổ ruột thừa nội soi
Phương pháp mổ ruột thừa nội soi là một thủ thuật ngoại khoa, nên các biến chứng của chúng sẽ không xảy ra thường xuyên nhưng sẽ gồm các tình trạng như:
- Gặp một số vấn đề về tim.
- Bị nhiễm trùng ở vùng phẫu thuật hay bị áp xe tồn dư.
- Xuất hiện cục máu đông và thường xảy ra ở người cao tuổi.
- Tuột clip kẹp mạch máu gây chảy máu từ động mạch ruột thừa.
Chăm sóc sau mổ ruột thừa nội soi giúp nhanh hồi phục
Để thời gian hồi phục bệnh được rút ngắn cũng như đảm bảo sức khỏe tốt hơn, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Đối với chế độ ăn uống: Hãy bắt đầu với những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, gồm có súp, sữa và cháo. Sau đó, bạn có thể bắt đầu với rau củ quả hay thịt cá. Tuyệt đối không dùng những thức ăn gây khó tiêu, cay nóng hay có nhiều dầu mỡ.
- Đối với chế độ sinh hoạt: Ưu tiên thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thay vì vận động mạnh hay làm việc nặng thì hãy đi bộ nhẹ nhàng nhằm giúp quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn.
- Về cách vệ sinh vết mổ: Bằng cách dùng nước muối sinh lý 2 lần/ngày, đồng thời thay băng đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Quan sát, theo dõi nếu có xuất hiện dấu hiệu bất thường: Chẳng hạn như sốt, khu vực vết mổ bị chảy máu, đau bụng dữ dội,… thì bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chữa trị đúng lúc.
Nhìn chung, mổ ruột thừa nội soi là một phương pháp phẫu thuật hiện đại, giúp rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cũng cần tham khảo các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo chất lượng để quá trình phẫu thuật an toàn hơn nhé!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.