Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do một số nguyên nhân điển hình, chẳng hạn như: sự xâm nhập của vi sinh vật, khối u, tắc nghẽn chất thải… Điều này dẫn đến xuất hiện những cơn đau xung quanh rốn và lan dần ra các vị trí lân cận. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về căn bệnh này qua bài viết dưới đây:
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa?
Viêm ruột thừa có thể xảy ra do những nguyên nhân điển hình như sau:
- Sự xâm nhập của virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường tiêu hóa
- Ống nối ruột già và ruột thừa bị tắc nghẽn do phân
- Khối u
Tất cả những yếu tố này đều có thể khiến ruột thừa bị viêm và sưng đau dữ dội. Quá trình vận chuyển máu đến cơ quan sẽ ngưng lại khi triệu chứng sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn. Khi lưu lượng máu không được cung cấp đủ, ruột thừa bắt đầu chết. Ngoài ra, cơ quan cũng có nguy cơ bị vỡ hoặc hình thành các lỗ, vết rách trên thành ruột. Điều này làm cho phân, chất nhầy, virus, vi khuẩn… rò rỉ vào bên trọng bụng, dẫn đến hàng loạt các vấn đề nguy hiểm khác như: viêm phúc mạc, nhiễm trùng lây lan…
Nhóm đối tượng dễ bị viêm ruột thừa?
Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi đối tượng, thường gặp nhất là người trong độ tuổi 10 – 30. Hiện nay, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
Một số thể viêm ruột thừa cấp đặc biệt:
- Viêm ruột thừa ở trẻ em: Thường chẩn đoán khó hơn người trưởng thành (hay bị rối loạn về đường tiêu hóa), quá trình diễn biến nhanh, ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc.
- Viêm ruột thừa ở người già: 2 thể lâm sàng thường gặp ở người già là :Bán tắc ruột, Thể u. Tần suất viêm ruột thừa ở người già thấp hơn nhưng lại có nhiều biến chứng nặng với các tai biến bệnh lý kèm theo như tim, phổi….
- Viêm ruột thừa trong thai kỳ:Viêm ruột thừa là bệnh từ bên ngoài tử cung hay gặp nhiều nhất mà cần phải điều trị ngoại khoa trong thai kỳ. Tần suất xấp xỉ 1/2000 người mang thai. Viêm ruột thừa cấp có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng thường gặp nhất trong hai quý đầu. Khi thai nhi phát triển, chẩn đoán viêm ruột thừa ngày càng trở nên khó khăn hơn do ruột thừa bị di lệch lên trên và ra ngoài. Phẫu thuật trong khi mang thai sẽ có nguy cơ đẻ non từ 10-15%, Yếu tố quan trọng nhất phối hợp với tử vong cho mẹ và thai nhi đó là thủng ruột thừa hay viêm phúc mạc ruột thừa. Tỷ lệ tử vong của thai trong viêm ruột thừa sớm là 3-5%, nó tăng lên đến 20% khi ruột thừa viêm bị thủng hay viêm phúc mạc. Viêm ruột thừa trong thời gian mang thai dễ gây nhiều tai biến cho mẹ và con nên cần chẩn đoán nhanh và can thiệp phẫu thuật sớm.
Làm cách nào để phát hiện và chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa?
Dấu hiệu thường gặp nhất khi khám bụng là ấn đau vùng 1⁄4 dưới phải bụng hay trong tam giác ruột thừa, đây là ruột thừa nằm ở vị trí thường gặp nhất của nó, bệnh nhân sẽ đau nhiều nhất khi ấn bụng ở các vị trí sau:
- Điểm đau ở 1/3 ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải (điểm Mc Burney )
- Điểm đau giao cắt giữa đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to (điểm Clado)
- Điểm đau ở 1⁄3 ngoài bên phải đường nối liên gai chậu trước trên (điểm Lanz)
- Dấu hiệu gồng cơ ở vùng này (phản ứng thành bụng) khi ấn nếu có sẽ có giá trị cao trong chẩn đoán.
Việc chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa thường được xem là không dễ dàng. Các triệu chứng của viêm ruột thừa thường mơ hồ, và tương tự với nhiều bệnh lý khác như viêm dạ dày, bệnh lý đường tiết niệu, bệnh đường mật hoặc bệnh lý buồng trứng ở nữ giới.
Bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bằng các thủ thuật sau:
- Thăm khám bụng: ở bệnh nhân bị viêm ruột thừa, ấn nhẹ vào vùng bụng bị đau và thả tay đột ngột sẽ làm cơn đau trở nên nặng hơn, gợi ý tình trạng viêm nhiễm vùng phúc mạc lân cận. Ở những bệnh nhân đến muộn có thể thấy tình trạng gồng cứng bụng hoặc co cơ bụng khi khám ở vùng bị viêm.
- Thăm khám trực tràng: có thể thực hiện khi cần thiết. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể được chỉ định thăm trực tràng đề loại trừ các bệnh phụ khoa.
Các xét nghiệm cận lâm sàng là cần thiết để xác định chẩn đoán, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: phát hiện tình trạng viêm khi số lượng bạch cầu tăng cao trong nghiệm công thức máu, CRP máu tăng là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu: loại trừ bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu, cũng là nguyên nhân gây đau bụng kèm sốt.
- Chẩn đoán hình ảnh: X.quang bụng, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính vùng bụng là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh được dùng để chẩn đoán xác định bệnh viêm ruột thừa và loại trừ các bệnh cảnh tương tự khác.
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến viêm ruột thừa, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.