Nghiến răng khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Tình trạng nghiến răng khi ngủ không chỉ gây ảnh hưởng đến người bên cạnh mà còn có khả năng làm tăng nguy cơ dẫn đến sai khớp cắn, đau mặt hoặc mỏi hàm,… Nếu tình trạng trở nặng có thể khiến căng nhức đầu và biến dạng gương mặt. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này thì hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Nghiến răng khi ngủ là hoạt động có khả năng gây quá tải hệ thống nhai
Nghiến răng khi ngủ là bệnh gì?
Nghiến răng khi ngủ là hoạt động có khả năng gây quá tải hệ thống nhai, là tình trạng bạn cắn chặt hai hàm khi ngủ (trong một số trường hợp có thể tạo ra âm thanh ken két vô cùng khó chịu). Tình trạng này có thể xảy ra ở người lớn lẫn trẻ em vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn.
Chứng nghiến răng khi ngủ được biết như một chứng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ. Theo nghiên cứu, đây chính là nguyên nhân hàng đầu làm tăng khả năng mắc các chứng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngáy và ngưng thở khi ngủ,…
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nghiến răng khi ngủ?
Tại sao lại nghiến răng khi ngủ? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tình trạng này có thể bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố về thể chất, tâm lý và di truyền như:
Lý do tuổi tác
Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các bé từ 3 – 5 tuổi. Tuy nhiên, không ít những người trưởng thành cũng gặp phải tình trạng tương tự. Vì vậy, mọi người cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân, cần phát hiện kịp thời chứng nghiến răng này để ngăn chặn những biến chứng xấu phát sinh.
Do căng thẳng
Khi lo lắng và căng thẳng quá mức mà không được giải tỏa, tình trạng nghiến răng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, việc thường xuyên tức giận vào ban ngày có thể hình thành tật nghiến răng khi ngủ ở người lớn.
Lý do di truyền
Những người có thành viên trong gia đình đang hoặc từng mắc phải tình trạng này sẽ có nguy cơ cũng bị bệnh này. Nghiên cứu cho thấy, có thể có một mức độ liên quan đến di truyền trong việc phát triển tật nghiến răng. Khoảng 21% – 50% những người bị nghiến răng ban đêm có thành viên trong gia đình từng mắc phải tình trạng này trước đây. Điều này cho thấy yếu tố di truyền có liên quan đến tình trạng nghiến răng khi ngủ.
Thuốc và các chất kích thích
Một số loại thuốc điều trị tâm thần như thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây tác dụng phụ dẫn tới chứng nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, thuốc lá và các loại đồ uống chứa caffeine, rượu hay các chất kích thích khác có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng.
Cách khắc phục nghiến răng khi ngủ
Hầu hết những ai gặp phải tình trạng này đều cảm thấy rất bất tiện. Không chỉ riêng người mắc cảm thấy khó chịu, trên thực tế tình trạng này còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Vì vậy, tiến hành khắc phục này thật sự rất cần thiết.
Mẹo chữa nghiến răng khi ngủ ở người lớn
Một trong những cách dưới đây có thể giúp chứng nghiến răng khi ngủ ở người lớn được cải thiện.
Kiểm soát căng thẳng: Nếu chứng nghiến răng là do căng thẳng gây ra, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách học các cách giúp thư giãn, ví dụ như thiền, yoga,… Nếu chứng nghiến răng có liên quan đến lo lắng thì những lời khuyên từ các bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên tư vấn sẽ giúp ích.
Phản hồi sinh học (biofeedback): Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen thì có thể thử áp dụng phương pháp phản hồi sinh học. Phương pháp này sử dụng những quy trình giám sát và các thiết bị để có thể hướng dẫn bạn cách kiểm soát hoạt động của cơ hàm.
Thay đổi hành vi: Người bệnh có thể thay đổi hành vi bằng cách thực hành tư thế miệng và hàm phù hợp. Bạn nên hỏi nha sĩ để nha sĩ chỉ dẫn vị trí tốt nhất cho miệng và hàm.
Bạn nên hỏi nha sĩ để nha sĩ chỉ dẫn vị trí tốt nhất cho miệng và hàm nhằm khắc phục nghiến răng khi ngủ
Mẹo chữa nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Muốn chữa khỏi được bất kỳ bệnh gì thì việc đầu tiên ta phải tìm hiểu được rõ nguyên nhân gây bệnh để có thể tìm được biện pháp tốt nhất cho trẻ.
Trẻ bị căng thẳng, tâm lý bất ổn: Bố mẹ có thể cùng trẻ giải quyết các vấn đề này bằng những việc như kể chuyện cho trẻ dễ ngủ hơn, hát ru hay nói chuyện cùng trẻ,…
Trẻ có vấn đề về răng miệng: Một số vấn đề như sai lệch khớp cắn, sâu răng, mọc răng,… thì việc điều trị các nguyên nhân gây bệnh này cũng chính là cách trị dứt điểm tình trạng trẻ nghiến răng khi ngủ.
Trẻ bị lệch khớp cắn: Với tình trạng trẻ nghiến răng khi ngủ do lệch khớp cắn thì cách chữa trị sẽ khó khăn hơn một chút. Ba mẹ không nên chủ quan mặc cho răng trẻ phát triển tự nhiên theo chiều hướng sai lệch mà phải tìm tới các bác sĩ chuyên môn để chữa trị. Thông thường, trường hợp trẻ bị lệch khớp cắn sẽ được nắn chỉnh cho đều để tránh ảnh hưởng tới việc nhai và các bộ phận có liên quan khác.
Cách chữa nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Nghiến răng khi ngủ đôi khi có thể tự khỏi nhưng trong một số trường hợp bạn cần sự giúp đỡ của nha sĩ và bác sĩ tâm lý. Chỉ cần quan tâm đến tình trạng răng miệng là bạn hoàn toàn có thể kịp thời xử lý tình trạng này trước khi gặp các biến chứng nguy hiểm hơn nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Có thể bạn quan tâm: