Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc mật
Tắc mật là tình trạng tắc nghẽn hệ thống ống dẫn mật tự nhiên từ gan vào ruột non, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo con đường này. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng đường mật, suy chức năng gan, thiếu dinh dưỡng, chảy máu, và suy thận. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của tắc mật là rất quan trọng để có thể phòng ngừa và điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng tắc mật
Tắc mật khiến dịch mật không thể chảy ra khỏi gan và tích tụ lại trong tế bào gan và rò rỉ bilirubin vào máu. Ngoài ra, dịch mật cũng không thể vận chuyển đến ruột non, gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất dễ dẫn đến thiếu hụt Vitamin. Một số triệu chứng tắc mật thường gặp gồm:
- Vàng da
- Vàng mắt
- Phân nhạt màu hoặc có màu đất sét
- Nước tiểu màu vàng đậm
- Ngứa da
- Đau vùng bụng trên bên phải
- Sốt
- Buồn nôn và ói mửa
- Mệt mỏi
- Sút cân
- Ăn mất ngon
- Triệu chứng tắc mật có thể xảy ra cấp tính hoặc kéo dài đến nhiều tháng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc mật
Tình trạng tắc mật có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào tắc mật trong gan hay ngoài gan, điển hình phải kể đến như:
- Viêm gan (nhiễm virus, rượu)
- Tổn thương gan do thuốc (kháng sinh, acetaminophen, thuốc chống động kinh, chống loạn nhịp tim)
- Viêm đường mật nguyên phát
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát
- Các bệnh thâm nhiễm (sarcoidosis, khối u, áp xe và u nang).
- Sỏi ống mật chủ
- U nang ống mật chủ
- Giãn ống mật
- Hội chứng Mirizzi (sỏi mật trong ống túi mật đè lên ống gan chung hay ống mật chủ)
- Hẹp đường mật lành tính: Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC), xơ hóa hẹp do sỏi mật hoặc hẹp đường mật sau phẫu thuật.
- Các bệnh lý hẹp ác tính gây tắc nghẽn đường mật: Ung thư đường mật, ung thư đầu tụy dẫn đến hẹp ống mật chủ ở đoạn xa, ung thư biểu mô bóng Vater hoặc u tuyến.
- Các nguyên nhân khác: Các bệnh truyền nhiễm như bệnh đường mật do ký sinh trùng (Clonorchis sinensis, Ascaris lumbricoides), các bệnh viêm đường mật do AIDS và viêm tự miễn ở đường mật .
Phòng ngừa tắc mật
Hầu hết các nguyên nhân gây tắc mật đều không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể giảm đáng kể khi:
- Áp dụng chế độ ăn uống (ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo bão hòa, đường, cholesterol),
- Sinh hoạt lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn.
Kết luận
Tắc mật là một bệnh lý nghiêm trọng với nhiều nguyên nhân khác nhau, từ viêm gan, tổn thương gan do thuốc, đến các bệnh lý như sỏi mật và ung thư đường mật. Các triệu chứng của tắc mật, như vàng da, phân nhạt màu, và đau bụng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù nhiều nguyên nhân gây tắc mật không thể phòng ngừa, nhưng việc duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối và thường xuyên tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Hãy luôn chú ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể và thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm do tắc mật gây ra.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.