Cùng tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường tuýp 1 là bệnh mà tế bào beta ở đảo tụy bị phá hủy gây ra sự thiếu hụt insulin và phải sử dụng insulin ở bên ngoài. Vậy đâu là nguyên nhân tiểu đường tuýp 1? Cùng Pharmacity tìm hiểu thông qua bài viết bên dưới nhé!
Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1?
Trong nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% nguyên nhân vô căn
- Nguyên nhân tự miễn: do các tế bào của hệ miễn dịch phá hủy các tế bào beta ở tuyến tụy khiến cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin. Insulin là một hormone giúp cho glucose từ máu di chuyển vào tế bào. Điều này dẫn đến việc lượng đường trong máu người bệnh không chuyển hóa thành năng lượng và tăng cao. Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào nên tiểu đường tuýp 1 còn có tên gọi khác là tiểu đường phụ thuộc insulin.
- Nguyên nhân vô căn: Một số trường hợp bị đái tháo đường tuýp 1 không liên quan đến tình trạng tự miễn, cũng không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng người ta nhận thấy tiểu đường tuýp 1 có thể liên quan đến yếu tố di truyền và người bệnh bị phơi nhiễm với một số loại virus, dẫn đến sự phá hủy của hệ miễn dịch lên các tế bào beta.
Ai dễ bị tiểu đường tuýp 1
Một số đối tượng dễ bị tiểu đường tuýp 1 là:
- Độ tuổi: Mặc dù bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào tuy nhiên bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên, người trẻ nên còn được gọi là tiểu đường vị thành niên.
- Tiền sử gia đình: nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ tăng cao một khi trong gia đình có bố mẹ hoặc ông bà bị tiểu đường tuýp 1.
- Các yếu tố môi trường: phơi nhiễm với virus như Coxsackie, Rubella có thể khởi phát tình trạng tế bào miễn dịch phá hủy tế bào beta đảo tụy.
Làm cách nào để phát hiện và chẩn đoán chính xác tiểu đường tuýp 1?
Để phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường tuýp 1 thì mọi người cần phát hiện ra những triệu chứng đặc trưng của bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và đi tới cơ sở y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường
Triệu chứng tiểu đường tuýp 1
Triệu chứng điển hình
- Tiểu nhiều: lượng đường dư thừa trong máu cao dẫn tới tình trạng cơ thể sẽ đi tiểu nhiều hơn để loại bỏ đường.
- Uống nước nhiều: cơ thể bị mất nước do bị tiểu nhiều sẽ cố gắng bù vào bằng cách tạo ra cơn khát khiến bạn uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ngọt.
- Ăn nhiều: Khi glucose đi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu sẽ mang theo calo dẫn đến xuất hiện tình trạng nhanh đói, ăn nhiều.
- Gầy nhiều: do mất nước nhiều.
- Mệt mỏi : Đường không được chuyển vào tế bào dẫn đến tế bào không thể hoạt động do thiếu năng lượng, từ đó khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Trẻ em mắc tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện triệu chứng tiểu dầm trong khi trước đó có thể chưa từng ghi nhận tình trạng này ở trẻ.
Triệu chứng khi có biến chứng
- Biến chứng cấp tính: Nhiễm toan ceton biểu hiện bởi tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây, nếu nặng hơn bệnh nhân có thể lơ mơ, hôn mê và đe dọa tính mạng.
- Biến chứng mạn tính: Nhìn mờ, tê bì, loét bàn chân, đầy bụng chậm tiêu.
Chẩn đoán tiểu đường tuýp 1
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG): ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ)
- Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).Bạn cần uống một lượng glucose tương đương với 75g trong 5 phút và xét nghiệm sau 2 giờ.
- HbA1c: Tiểu đường được chẩn đoán khi HbA ≥ 6,5% (48 mmol/mol).
- Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Nếu mọi người xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh qua cách nhận biết tiểu đường tuýp 1 trên thì hãy ghé ngay các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh và gặp bác sĩ tư vấn để tránh các biến chứng nặng của bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.