Những nguyên nhân gây khô môi nứt nẻ quanh năm
Môi khô nứt nẻ là tình trạng phổ biến, đặc biệt là vào mùa hanh khô hoặc khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau để có cách phòng ngừa khô môi hiệu quả.
Triệu chứng môi khô
Môi khô nứt nẻ là một triệu chứng mà môi bị khô, bong tróc hoặc nứt ra. Các vết nứt có thể xuất hiện trên bề mặt của môi trên lẫn môi dưới và môi có thể bị đau cũng như có thể chảy máu.
Trong hầu hết các trường hợp, nứt môi không phải là tình trạng nghiêm trọng và không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Theo đó, môi nứt nẻ hiếm khi liên quan đến các cấp cứu y tế. Tuy nhiên, môi nứt nẻ có thể là dấu hiệu của việc mất nước. Mất nước nghiêm trọng và mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến sốc hoặc hôn mê và có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bản thân hoặc người đi cùng có các triệu chứng mất nước nghiêm trọng, chẳng hạn như lú lẫn, hôn mê, mất ý thức, da lạnh hoặc giảm bài tiết nước tiểu.
Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác có thể xảy ra với môi nứt nẻ, tùy thuộc vào bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng cơ bản. Cụ thể là các triệu chứng thường xuyên ảnh hưởng đến môi cũng có thể liên quan đến các hệ thống cơ thể khác. Ví dụ, đôi môi nứt nẻ có thể đi kèm với các triệu chứng khác ảnh hưởng đến miệng bao gồm:
- Chảy máu
- Lở loét môi
- Vết loét lạnh do nhiễm vi rút herpes simplex
- Khô miệng
- Giọng nói khàn
- Đỏ, nóng hoặc sưng môi
Nguyên nhân khiến môi khô quanh năm
Nguyên nhân phổ biến của môi nứt nẻ là những thay đổi về độ ẩm và thời tiết. Thật vậy, đôi môi nứt nẻ thường do tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt, dẫn đến dễ bị kích ứng, bao gồm thời tiết lạnh, khô, ăn thức ăn, nước uống cay nóng thường xuyên và cả thói quen liếm môi. Trong đó, cảm lạnh thông thường và tác hại của ánh nắng mặt trời cũng có thể gây ra nứt nẻ môi và cả các loại thuốc như thuốc giảm cholesterol.
Bên cạnh đó, sự tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc kích ứng là một nguyên nhân phổ biến khác của môi nứt nẻ. Khi cơ thể tiếp xúc với sản phẩm bên ngoài sẽ gây ra phản ứng dị ứng hoặc kích ứng trực tiếp trên da nói chung và da vùng môi nói riêng, vốn dĩ rất nhạy cảm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, môi nứt nẻ là do khô và gió là thủ phạm chính.
Mặt khác, các bất ổn trong tình trạng sức khỏe cũng có thể gây nứt nẻ môi. Triệu chứng trên đôi môi khô nứt nẻ cũng có thể liên quan đến nhiều bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm bệnh tuyến giáp, thiếu hụt vitamin và bệnh viêm ruột. Cụ thể là khi chức năng tuyến giáp kém có thể gây khô miệng và môi, thiếu hụt phức hợp vitamin B và hàm lượng kẽm hoặc sắt thấp trong máu cũng đã được báo cáo là nguyên nhân gây ra môi khô tróc da. Đồng thời, bệnh viêm ruột mãn tính như bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa từ môi xuống hậu môn và nếu một người vừa bị nứt môi nghiêm trọng không lành cũng như đau bụng, đây có thể là một nguyên nhân có thể nghi ngờ.
Cách khắc phục khô môi nứt nẻ
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của khô môi:
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Sử dụng son dưỡng, dầu dừa, sáp ong hoặc thuốc mỡ để cân bằng độ ẩm cho môi.
- Sử dụng kem chống nắng cho môi, đeo khẩu trang khi đi ra trời nắng.
- Bỏ thói quen cắn môi, liếm môi.
- Không cắn, ngậm các vật lạ để tránh gây viêm môi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí tại nơi ở của bạn quá khô.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống đủ nước, đặc biệt là khi thời tiết trở nên khô nóng.
- Bổ sung đủ dinh dưỡng, vitamin từ khẩu phần ăn hàng ngày và từ trái cây, rau củ quả.
- Nếu môi bạn bị khô nứt gây chảy máu, nên hạn chế ăn các món cay nóng.
Bên cạnh những cách phòng ngừa trên, bạn cũng nên chú ý giữ cho môi luôn sạch sẽ và mềm mại bằng cách tẩy tế bào chết cho môi thường xuyên (khoảng 1-2 lần/tuần) và sử dụng mặt nạ dưỡng môi từ các nguyên liệu thiên nhiên như mật ong, sữa chua, dưa chuột, v.v. Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa trên mà tình trạng môi khô vẫn không cải thiện, hãy đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.