Bệnh thuỷ đậu ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể lan rộng thành dịch do khả năng lây nhiễm cao. Thông thường, trẻ em mắc bệnh thủy đậu sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu không chữa trị kịp thời, trẻ em có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Triệu chứng thường gặp ở trẻ em mắc bệnh thuỷ đậu
Mệt mỏi, uể oải: Đây là một trong những triệu chứng thủy đậu ở trẻ em đầu tiên mà bố mẹ cần lưu ý.
Sốt cao kèm theo đau đầu:
- Sốt cao từ 38 – 39 độ kèm theo các cơn đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc bệnh thủy đậu.
- Cơn sốt thường xảy ra từ 1-2 ngày trước khi các triệu chứng như phát ban, khó chịu, mệt mỏi hay chán ăn… xuất hiện.
- Tuy nhiên, không phải trẻ nào mắc thủy đậu cũng sốt và mức độ sốt ở từng trẻ là khác nhau.
- Bố mẹ cần lưu ý nếu thấy con sốt cao trên 39 độ kèm các biểu hiện khó thở, co giật thì cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời.
Phát ban, nổi mụn nước: Trẻ bắt đầu phát ban, nổi mụn nước ở mặt, các chi, sau đó lan nhanh ra toàn cơ thể chỉ trong 12-24 giờ. Sau khoảng 7-10 ngày khởi phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại và bong vảy, tại những vị trí nổi mụn nước sẽ bị thâm, trường hợp bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.
Chán ăn: Với cơ thể mệt mỏi, sốt cao, trẻ có xu hướng chán ăn, dễ quấy khóc. Do đó, bố mẹ cần lựa chọn những loại thức ăn mềm, chế biến dạng lỏng, dễ tiêu và phù hợp với sở thích của con để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đau cơ, đau khớp: Trẻ có thể cảm thấy đau nhức ở một vùng nhỏ hay toàn thân, các cơn đau từ nhẹ đến nặng.
Ho, sổ mũi: Ho, chảy nước mũi cũng là những triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh thủy đậu. Người mắc bệnh cần che mũi và miệng khi hắt hơi, ho, vứt khăn giấy dơ, vệ sinh, sát khuẩn tay kỹ và không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, chung thức ăn hoặc đồ uống để tránh lây nhiễm cho người lành.
Nguyên nhân trẻ em mắc bệnh thuỷ đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Đây là virus thuộc họ Herpesviruses, do đó VZV có những đặc tính cấu trúc tương tự virus Herpes Simplex, có hình khối cầu, có kích thước từ 150 – 200 nm với phần vỏ ngoài bằng lipid, phần lõi là phân tử ADN chuỗi đôi.
Virus VZV có thể tồn tại được vài ngày trong vảy thủy đậu, nhưng dễ bị tiêu diệt bởi thuốc sát khuẩn. Đây cũng là loại virus có khả năng “tồn tại âm thầm” trong cơ thể sau lần nhiễm thủy đậu đầu tiên và sẵn sàng hoạt động trở lại khi gặp các điều kiện thuận lợi, gây bệnh Zona thần kinh.
Virus VZV gây bệnh bằng cách xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên (miệng, mũi, hầu họng) hoặc cũng có thể là kết mạc mắt, đường tiêu hoá (rất hiếm gặp).
Bệnh có tính lây nhiễm cao, thông qua đường hô hấp như ho, hắt xì và lây gián tiếp khi người lành tiếp xúc với giọt bắn, chất dịch từ mụn nước bị vỡ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh thủy đậu cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc gián tiếp, nếu người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch từ mụn nước thủy đậu của người bị bệnh qua quần áo, chăn gối… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh thuỷ đậu dễ lây nhiễm trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, bệnh viện.
Bệnh thủy đậu kéo dài trong bao lâu?
Tùy vào thể trạng mà bệnh sẽ mất từ 7 đến 21 ngày để xuất hiện những triệu chứng cụ thể. Sau đó, mất thêm khoảng 7 – 10 ngày từ giai đoạn toàn phát đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, với những trẻ có hệ miễn dịch yếu, thủy đậu cũng có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần mới khỏi hẳn.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là bệnh lý lành tính, tuy nhiên bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt là khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ. Khi mắc bệnh, trẻ cần được chăm sóc chu đáo và điều trị đúng cách để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.