Nguyên nhân và cách phòng ngừa nhiệt miệng, có nên dùng thuốc bôi nhiệt miệng không?
Nhiệt miệng rất phổ biến và thường xuyên xảy ra ở mọi đối tượng, gây cảm giác đau rát khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là khi ăn uống và giao tiếp. Trong bài viết sau đây Pharmacity sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhiệt miệng.
Nguyên nhân và cách phòng ngừa nhiệt miệng
Nhiệt miệng là gì? Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nhiệt miệng (aphthous ulcer) hay còn gọi lở miệng là sự xuất hiện của các vết loét nhỏ và nông ở phần mô mềm bên trong miệng (trên môi, trong má, lưỡi hoặc nướu). Các vết loét ban đầu là các đốm nhỏ có màu trắng, sau đó chuyển sang vàng và vùng da xung quanh vết loét thường sưng đỏ.
Các vết nhiệt miệng không lây lan nhưng khiến người bệnh cảm thấy đau rát, khó chịu khi ăn uống và khó khăn trong việc giao tiếp. Nhiệt miệng thường tự khỏi sau 7-10 ngày, tùy cơ địa mà vết lở miệng có thể trở nên nặng hơn gây sốt nổi hạch, rối loạn tiêu hóa, cảm giác đau hơn so với bình thường.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Mặc dù chưa có kết quả ghi nhận nguyên nhân cụ thể gây nhiệt miệng, tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số các yếu tố sau đây:
- Chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, đồ cay, đồ nóng, nhạy cảm với các loại thực phẩm như cà phê, sô cô la, các loại hạt, phô mai,…
- Hệ miễn dịch cơ thể suy giảm hoặc thiếu vitamin B12, kẽm, folate (axit folic) hoặc sắt.
- Vệ sinh răng miệng sai kỹ thuật, thao tác quá mạnh gây nên tổn thương miệng và tạo thành vết lở.
- Không cẩn thận cắn vào má hoặc lưỡi trong khi ăn uống hình thành vết thương, phát triển thành nhiệt miệng.
- Căng thẳng mệt mỏi, thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai.
- Một số virus và vi khuẩn trong miệng như vi khuẩn Helicobacter pylori, virus herpes simplex, coxsackie,…
- Ngoài ra, nguyên nhân gây lở miệng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, viêm đường ruột hoặc viêm loét đại tràng gây nên.
Các biện pháp điều trị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng không gây nguy hiểm đến sức khỏe và thường tự lành sau vài ngày, tuy nhiên để vết lở giảm đau và nhanh khỏi hơn, bạn có thể tham khảo áp dụng các biện pháp sau:
- Sử dụng nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng để sát khuẩn và làm giảm đau. Phương pháp này rất an toàn và được áp dụng phổ biến khi bị lở miệng.
- Bổ sung các dưỡng chất vitamin B12, kẽm, folate (axit folic) và sắt cho cơ thể.
- Dùng thuốc bôi nhiệt miệng để bôi trực tiếp vào vết lở để giảm đau và giúp vết thương nhanh lành hơn.
- Trường hợp vết nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần hoặc trở nên nặng hơn, bạn cần đến bác sĩ để được kiểm tra và chỉ sử dụng loại thuốc chữa nhiệt miệng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Một số cách phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả
Tình trạng nhiệt miệng thường xuyên xảy ra và kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày, vì vậy hãy tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả.
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ vitamin và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc. Hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay và nóng.
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc, học tập quá sức dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi kéo dài.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để rèn luyện thể chất và nâng cao sức khỏe.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách, nên dùng bàn chải mềm và thực hiện thao tác cẩn thận để không gây tổn thương cho vùng miệng.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý hằng ngày.
Có nên dùng thuốc bôi nhiệt miệng không?
Sử dụng thuốc bôi nhiệt miệng là giải pháp được nhiều người bệnh lựa chọn để giảm đau tại vết lở và thúc đẩy quá trình hồi phục khi bị nhiệt miệng.
Hầu hết các loại thuốc bôi nhiệt miệng có chứa các thành phần Benzocaine, Fluocinonide, Hydrogen peroxide giúp làm dịu vùng bị tổn thương, sát khuẩn và kháng viêm giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Thuốc bôi nhiệt miệng có các loại phổ biến là thuốc bôi dạng kem hoặc dạng gel, tùy theo tình trạng nhiệt miệng để bạn lựa chọn thuốc bôi phù hợp.
Hiện nay thuốc bôi nhiệt miệng là phương pháp trị nhiệt miệng an toàn và nhanh chóng. Thuốc bôi dễ dàng được tìm thấy tại các nhà thuốc với đa dạng sản phẩm và nhiều thương hiệu khác nhau để người bệnh lựa chọn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn trước khi dùng thuốc bôi đảm bảo hiệu quả và sức khỏe của bạn.
Trong bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về tình trạng nhiệt miệng thường gặp. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn trong việc điều trị và phòng ngừa nhiệt miệng.
Nguồn: Tổng hợp