Nguyên nhân và cách xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ em
Nếu bé gặp tình trạng ọc sữa sau khi bú hoặc nôn trớ sau khi ăn có khả năng cao bé đang bị trào ngược dạ dày. Đây là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ, xảy ra khi có dịch dạ dày hay thực phẩm trào lên thực quản.
Chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày đúng cách
Nguyên nhân khiến bé bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày do bệnh lý
Do trẻ mắc các dị tật bẩm sinh: Trẻ mắc thoát vị cơ hoành, sa dạ dày làm cho cơ thắt thực quản dưới hoạt động yếu gây trình trạng trào ngược.
Do các bệnh lý khác: Trẻ bị bại não, hở van tâm vị bẩm sinh, nhiễm trùng, viêm ruột,…cũng có khả năng bị trào ngược dạ dày thực quản do suy giảm chức năng co bóp của dạ dày và đường tiêu hoá.
Trào ngược dạ dày do sinh lý
- Hệ tiêu hoá chưa phát triển hoàn thiện: Do hệ tiêu hoá ở trẻ chưa hoàn chỉnh nên dạ dày thường nhỏ, nằm ngang và cao hơn so với người trường thành. Ngoài ra, cơ vòng thực quản dưới cũng đóng mở chưa đều dẫn đến thức ăn trong dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.
- Do thức ăn: Thức ăn cho trẻ nhất là trẻ sơ sinh thường nhỏ và ở dạng lỏng nên rất dễ bị trào lên khi xuất hiện khe hở.
- Thói quen sinh hoạt: Nhiều trẻ có thói quen ăn xong rồi nằm ngay, chạy giỡn trong khi ăn cũng gây trào ngược dạ dày.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em
Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em:
- Ợ nóng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày ở trẻ em, có thể kéo dài tới 2 giờ.
- Nôn ngay sau khi ăn.
- Thường xuyên bị nấc cụt hoặc ợ hơi.
- Chán ăn, ăn ít.
- Bị nghẹn, thở khò khè trong trường hợp dịch trào ngược vào khí quản, phổi.
- Hay cáu kỉnh hoặc quấy khóc sau khi ăn.
Triệu chứng trào ngược dạ dày nghiêm trọng
Cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu gặp các triệu chứng dưới đây:
- Trẻ chậm phát triển, không tăng cân, có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
- Ho lâu ngày không khỏi, viêm họng, nhiễm trùng phổi.
- Nôn trớ thức ăn, đôi khi có kèm theo máu.
- Cơ thể tím tái hoặc ngừng thở.
Điều trị trào ngược dạ dày cho trẻ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
Nếu trẻ bị trào ngược dạ dày không có các biến chứng nguy hiểm thì không cần điều trị mà thực hiện các chỉ dẫn sau:
- Nên chia nhỏ cữ bú, tránh cho bé bú quá nhiều trong 1 lần.
- Cho trẻ bú đúng tư thế, tránh cho trẻ nằm trong và ngay sau khi bú xong.
- Giữ núm vú đầy sữa khi cho trẻ bú để tránh bị nuốt không khí vào. Tránh chọn những bình sữa có núm vú lỗ to để sữa chảy nhanh, dễ khiến trẻ bị sặc.
Trong trường hợp trẻ bị trào ngược gây sặc sữa với biểu hiện tím tái, ngưng thở, các mẹ nhanh chóng cho trẻ nằm nghiêng, vỗ nhẹ lưng để sữa chảy ra. Ngay sau đó, hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ trên 1 tuổi
- Hạn chế cho trẻ ăn: Hoa quả có tính axit (cam, chanh, dứa…), đồ ăn nhanh, thức ăn cay, nước có gas…
- Cho trẻ ăn vừa đủ.
- Không cho trẻ nằm sau khi ăn.
- Kê cao đầu khi ngủ giúp trẻ giảm chứng ợ nóng.
- Nếu trẻ bị thừa cân, béo phì mẹ nên giúp bé thay đổi chế độ ăn uống và vận động để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày.
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống cho bé bị trào ngược dạ dày
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị trào ngược dạ dày của trẻ, vì vậy, cha mẹ cần chú ý bổ sung cho bé một số thực phẩm sau:
- Rau xanh: Rau củ quả tự nhiên có khả năng làm giảm lượng axit trong dạ dày (gợi ý: rau bí, bắp cải, súp lơ,…).
- Các loại đậu: Đậu chứa nhiều chất xơ, amino axit tốt cho trẻ bị trào ngược dạ dày (gợi ý: đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ…).
- Bánh mì, yến mạch: Được các chuyên gia khuyên dùng thường xuyên vì có khả năng trung hoà axit dư trong dạ dày, giảm chứng ợ nóng.
- Đạm nhanh tiêu: Thịt lưỡi heo, thịt thăn heo, thịt ngan.
Một số loại thực phẩm mà bé nên tránh xa khi bị trào ngược dạ dày:
- Chất kích thích: Caffeine, khói thuốc lá.
- Đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp: Gà rán, các món nhiều dầu mỡ, mì ăn liền…
- Trái cây nhiều axit: Cam, chanh, dứa, quýt, bưởi.
- Các loại gia vị cay nóng: Tỏi, ớt, tiêu, bạc hà…
Trào ngược dạ dày là bệnh lý thường gặp ở trẻ vì vậy cha mẹ nên quan sát kỹ để nhận biết các dấu hiệu và có biện pháp chăm sóc cho bé kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng trào ngược kéo dài và không được cải thiện, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.