Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa sớm
Đau thần kinh tọa là cơn đau dọc theo dây thần kinh tọa. Bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động. Vì Vậy hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa sớm để kịp thời điều trị nhé.
Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh toạ (dây thần kinh hông to) là dây thần kinh dài và dày nhất cơ thể kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến tận các ngón chân. Chức năng chính của dây thần kinh tọa là chi phối vận động (duỗi, gập đầu gối, ngồi, gập bàn chân, phối hợp thực hiện việc di chuyển của 2 chân) và cảm giác chi dưới.
Đau thần kinh tọa là cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau lan từ lưng dưới qua hông, mông và xuống dưới từng chân. Thông thường, đau thần kinh toạ chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể và tùy theo vị trí tổn thương mà cơn đau sẽ có hướng lan khác nhau
Nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa
Nguyên nhân chủ yếu của đau thần kinh tọa là tình trạng thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đĩa đệm:
Thoát vị đĩa đệm (tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt do chấn thương, tai nạn … ) hay thoái hóa đĩa đệm khiến cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống ở khu vực gần đó. Khi ấy các rễ dây thần kinh tọa sẽ bị chèn ép gây đau thần kinh tọa.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân đau thần kinh tọa:
- Thoái hóa cột sống: gây nên các tình trạng gai xương, biến dạng đốt sống,.. gây tổn thương cho dây thần kinh tọa tại vị trí đó
- Trượt đốt sống: Một đốt sống bị trượt ra ngoài sẽ không thẳng hàng với cấu trúc phía trên do chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh làm thu hẹp lỗ thông nơi mà dây thần kinh đi ra gây chèn ép dây thần kinh tọa
- Chấn thương cột sống thắt lưng hoặc dây thần kinh tọa.
- Các khối u hình thành trong ống sống thắt lưng gây chèn ép dây thần kinh tọa.
- Hội chứng cơ hình lê: Tình trạng này xuất hiện khi cơ hình lê (một cơ nhỏ nằm sâu trong mông) bị căng hoặc co thắt, gây áp lực và kích thích dây thần kinh hông, dẫn đến đau ở thần kinh tọa.
Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa từ sớm
Đau dây thần kinh tọa có thể dẫn đến các biến chứng nếu không điều trị sớm như: tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng cột sống, mất kiểm soát nhu động ruột-bàng quang,.. hay nguy hiểm hơn là liệt nửa người. Nên mọi người cần biết các dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa từ sớm để tránh các biến chứng như trên.
Các dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa là:
- Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa, đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân.
- Cơn đau lan tỏa từ cột sống dưới (thắt lưng) đến mông và xuống phía sau chân là dấu hiệu của bệnh đau thần kinh tọa.
- Cảm giác châm chích hoặc bỏng rát: Nhiều người mô tả cảm giác này như kim châm hoặc cháy nắng dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
- Thông thường chỉ có đau một bên cơ thể.
- Tê, ngứa ran hoặc yếu cơ ở chân hoặc bàn chân.
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi ngồi, đứng trong thời gian dài, thực hiện động tác vặn phần thân trên hoặc chuyển động cơ thể đột ngột như ho, hắt hơi…
Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa
Có nhiều phương pháp điều trị đau thần kinh tọa để giảm đau và giảm các biến chứng của bệnh. Tùy vào mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ dùng phương pháp không phẫu thuật hay phương pháp phẫu thuật
Điều trị không phẫu thuật
Một số giải pháp điều trị không phẫu thuật dành cho những bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa ở mức nhẹ và trung bình:
- Vật lý trị liệu: Duy trì thói quen kéo dài và tập thể dục sẽ giúp cải thiện tư thế để giảm áp lực cho dây thần kinh tọa.
- Sử dụng các miếng dán nóng và lạnh: Sử dụng các miếng dán này ở lưng dưới trong vài ngày có thể làm giảm cơn đau do đau thần kinh tọa gây nên.
- Thuốc giảm đau: Để giảm bớt các cơn đau do đau thần kinh tọa thì mọi người hay sử các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol và NSAID. Tuy nhiên, sử dụng không đúng liều lượng và kéo dài có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn lên thận, gan,… nên cần lưu ý cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Tiêm steroid: Tiêm corticosteroid vào vùng bị ảnh hưởng để giảm viêm và đau.
Điều trị bằng phẫu thuật
Giải pháp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật là biện pháp cuối cùng áp dụng cho những bệnh nhân đau nặng, không thuyên khỏi sau khi điều trị bằng phương pháp khác hay đã bị các biến chứng (như cơ yếu đi đáng kể, mất khả năng kiểm soát ruột-bàng quang,..)
Tùy vào tình trạng bệnh nhân hay nguyên nhân gây đau thần kinh tọa mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật là: cắt bỏ khối thoát vị và cắt bỏ cung sau (mở ống sống):
- Phẫu thuật lấy đĩa đệm: Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ bất cứ thứ gì đang chèn ép vào dây thần kinh, cho dù đó là một đĩa đệm thoát vị, gai xương… Mục đích là để loại bỏ nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Khi thực hiện phẫu thuật bác sĩ có thể gây mê toàn thân để giúp quá trình phẫu thuật được thuận lợi.
- Phẫu thuật cắt bỏ cung sau: Ống sống bị hẹp do dây chằng vàng các mấu khớp phì đại, tiến hành cắt bỏ bản sống (cung sau) và dây chằng vàng để mở rộng ống sống, giải phóng sự chèn ép các rễ thần kinh ở thắt lưng.
Đau thần kinh tọa là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể quản lý và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của đau thần kinh tọa, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Chăm sóc sức khỏe thần kinh của bạn là điều rất quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống và hạnh phúc dài lâu.
Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời đau thần kinh tọa là rất quan trọng để giảm thiểu các biến chứng và duy trì chất lượng cuộc sống. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường. Sự chăm sóc sức khỏe cẩn thận và khoa học sẽ giúp bạn sống vui khỏe mỗi ngày.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.