Nhận biết sớm nhồi máu cơ tim cấp và giờ vàng can thiệp
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Vậy đâu là những dấu hiệu giúp nhận biết sớm và “giờ vàng” để can thiệp?
1. Bệnh nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim hoàn toàn do nhiều nguyên nhân dẫn đến hoại tử mô cơ tim. Đây là bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao với 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh, và thường trước khi được cấp cứu tại các cơ sở y tế. Mặt khác, bệnh nhân trong nhóm được nhập viện điều trị cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như loạn nhịp tim, rung thất, thuyên tắc mạch máu, suy tim, viêm màng ngoài tim, suy tim … đưa đến những hậu quả nặng nề, đe dọa tính mạng người bệnh. Rung thất là biến chứng nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm nhất, gây đột tử.
Theo Tổ chức y tế thế giới, có hơn 7,2 triệu người chết vì bệnh mạch vành năm 2004 và khoảng 57 triệu người chết vì bệnh tim mạch năm 2008, trong đó có 17,3 triệu người chết vì bệnh mạch vành, chiếm khoảng 31%. Theo Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam, năm 2003 có 4,2% bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp và tăng lên đến 9,1% vào năm 2007. Hiện nay ở nước ta chưa có thống kê đầy đủ về bệnh lý này, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim đang có xu hướng tăng lên.
Nhồi máu cơ tim cấp là thể nặng nề nhất của bệnh lý thiếu máu cơ tim cục bộ. Bệnh thường khởi phát đột ngột, và cần được xử trí khẩn cấp tại bệnh viện. Hiện nay việc điều trị nhồi máu cơ tim cấp đang rất được quan tâm và đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Yếu tố quyết định trong điều trị là thời gian, bệnh nhân được phát hiện và nhập viện càng sớm thì tiên lượng càng tốt so với những người chậm trễ.
2. Triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp tính
Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Mức độ biểu hiện tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, liên quan trực tiếp đến vùng hoại tử của cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:
- Cơn đau thắt ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
- Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.
Một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp không có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng và đặc hiệu gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm bệnh. Tiêu chảy, cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, hôn mê, rối loạn nhịp đều có thể là triệu chứng khiến người bệnh nhồi máu cơ tim đi nhập viện. Ở các tình huống này, việc chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
3. Những ai dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở những người có các đặc điểm sau:
- Giới tính nam
- Tuổi trên 55
- Tiền sử gia đình có người mắc nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch, bệnh liên quan đến động mạch vành.
- Hút thuốc lá với số lượng nhiều, kéo dài trong nhiều năm
- Lười vận động
- Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, không hợp lý
- Thừa cân, béo phì
- Tăng cholesterol máu
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý tăng đông máu
- Lối sống stress, nhiều căng thẳng, trầm cảm, cô lập xã hội
4. Phòng ngừa bệnh Nhồi máu cơ tim cấp
Để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim cấp, tầm soát và khám tim mạch định kỳ là rất quan trọng. Một lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Ngoài ra, việc sơ cấp cứu cho bệnh nhân lên cơn đột quỵ tim là “chìa khóa vàng” để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, vấn đề phòng tránh mắc bệnh và hạn chế biến chứng nhồi máu cơ tim cấp rất được quan tâm. Điều này có thể được thực hiện bằng các biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
- Thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày trong 3 ngày/ tuần
- Xây dựng lối sống vui vẻ và cân bằng, tránh các căng thẳng về tâm lý
- Duy trì thân hình cân đối, không để bị béo phì
- Điều trị kiểm soát tốt huyết áp và đường máu nếu mắc phải bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường
- Đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện các triệu chứng bất thường