Nhiễm giun đũa: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Giun đũa là một trong những loài giun tròn phổ biến và có mặt trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đây là loại ký sinh trùng gây bệnh hàng đầu trong các loài giun sán đường ruột. Bệnh giun đũa xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, điều kiện vệ sinh kém, dùng phân tươi bón cây. Vậy bệnh giun đũa là gì, nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách phòng ngừa giun đũa ra sao? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây
Tổng quan chung
Bệnh giun đũa là bệnh nhiễm trùng, giun ký sinh trong cơ thể người từ giai đoạn ấu trùng đến khi trưởng thành. Bệnh giun đũa gặp nhiều ở trẻ em ở các vùng nhiệt đới, khí hậu ẩm ướt, vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh… Dù bệnh phổ biến toàn cầu nhưng người mắc bệnh nhẹ thường không có triệu chứng, còn người bệnh nặng có thể gặp biến chứng nghiêm trọng.
Giun đũa có tên khoa học là Ascaris lumbricoides. Khác với các loài ký sinh trùng khác, đây là loại giun có kích thước khá lớn, như một con giun cái trưởng thành có chiều dài từ 20 đến 25 cm, giun đực là từ 15 đến 17cm. Giun có màu sắc trắng hay hồng, phần thân tròn còn phần đầu và phần đuôi thì thon nhọn. Vị trí ký sinh của giun đũa là ở ruột non của người.
Khi giun đũa cái đẻ trứng, nếu rơi vào trong đất, sau khoảng hai tuần, trứng giun sẽ phát triển thành ấu trùng giun. Nhiệt độ môi trường bình thường là vô cùng thuận lợi để ấu trùng giun tiếp tục vòng tuần hoàn. Trứng giun chỉ bị tiêu diệt với nhiệt độ từ trên 60 độ C.
Triệu chứng của bệnh giun đũa
Nhiễm giun đũa đa số không gây triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ ở bụng. Triệu chứng nặng và cấp tính khi cơ thể nhiễm giun số lượng lớn.
Bệnh do giun đũa gây ra thường biểu hiện 2 nhóm chính:
Nhóm triệu chứng hô hấp (Hội chứng Loeffler)
Khi giun ở giai đoạn ấu trùng di chuyển từ ruột lên phổi. Người nhiễm có các biểu hiện như trong viêm phổi, hen suyễn:
Triệu chứng thường tự hết sau vài ngày đến 2 – 3 tuần.
Trong giai đoạn này, ấu trùng kích thích phản ứng dị ứng trong cơ thể. Vì vậy, người bệnh có thể bị nổi mẩn đỏ trên da.
Nhóm triệu chứng tiêu hóa
Thường do giun sau khi được nuốt trở lại ruột non, phát triển thành giun trưởng thành và gây bệnh.
- Rối loạn tiêu hóa do giun kích thích thành ruột (tiêu chảy, táo bón).
- Nôn ói. Người nhiễm có thể nôn ra giun.
- Nhiễm giun nặng có thể gây tắc ruột, thường gặp ở trẻ em.
- Đau bụng dữ dội trong các bệnh cảnh cấp tính do giun đi lạc (xoắn ruột, thủng ruột, viêm ruột thừa cấp,..).
- Vàng da do tắc mật khi giun chui vào đường dẫn mật. Người nhiễm có thể bị tắc ống dẫn mật, áp-xe gan, viêm túi mật cấp.
Ấu trùng hay giun trưởng thành “đi lạc” đến đâu có khả năng gây bệnh tại cơ quan đó. Người nhiễm giun đũa có thể bị rối loạn thần kinh (co giật, động kinh), phù mí mắt, viêm giác mạc, u hạt ở mắt hay ở não.
Đồng thời, người bệnh có các triệu chứng nhiễm giun chung toàn thân như mệt mỏi, khó chịu toàn thân, ăn kém. Nhiễm giun lâu dài dẫn đến tình trạng phát triển thể chất kém do rối loạn hấp thu dinh dưỡng.
Nguyên nhân nhiễm giun đũa
Giun đũa gây bệnh cả khi ở dạng ấu trùng và lúc trưởng thành.
- Giai đoạn xâm nhập: người vô tình nuốt trứng giun vào bụng do ăn trúng rau sống, trái cây trồng trên nguồn đất chứa nguồn bệnh hoặc bàn tay dính trứng giun khi chơi đùa trên đất, ngoài vườn nhưng không rửa xà phòng khi ăn, uống…
- Giai đoạn di cư: trứng khi được nuốt vào sẽ nở ra ấu trùng ở ruột non. Theo đường máu và hệ bạch huyết, ấu trùng đi qua thành ruột di chuyển lên tim và phổi. Sau 10 – 14 ngày phát triển tại phổi, ấu trùng tiếp tục lẻn lên đường thở và tấn công cổ họng. Lúc này, người bệnh thấy khó chịu nên ho liên tục và nuốt trứng xuống lại ruột.
- Giai đoạn trưởng thành: ấu trùng trở lại ruột và phát triển thành giun đũa đực hoặc giun đũa cái. Giun cái có thể dài hơn 40cm, giun đực nhỏ hơn.
- Giai đoạn sinh sản: mỗi ngày, giun cái có thể đẻ 200.000 trứng. Trứng được thụ tinh từ giun đực và giun cái sẽ theo phân thải ra môi trường bên ngoài. Toàn bộ quá trình từ lúc con người nuốt phải trứng cho đến lúc trưởng thành có thể kéo dài từ 2-3 tháng. Giun đũa có thể sống trong cơ thể người từ 1-2 năm.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh giun đũa
- Lứa tuổi: trẻ dưới 10 tuổi dễ mắc bệnh giun đũa vì hiếu động và nghịch bẩn hơn.
- Khí hậu: ở vùng có khí hậu ẩm nóng vùng nhiệt đới, trứng giun thuận lợi phát triển.
- Vệ sinh kém: ở vùng nông thôn ở các nước đang phát triển thường dùng nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh không hiện đại… nên mầm bệnh dễ phát tán.
- Thói quen sinh hoạt: một số nông dân dùng phân người làm phân bón khiến bệnh lan rộng hơn.
- Ăn thực phẩm tươi sống: người có thói quen ăn thực phẩm không rửa kỹ, thịt tươi sống… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Phương thức chẩn đoán bệnh giun đũa
Việc chẩn đoán được tiến hành bằng cách xét nghiệm mẫu phân, xét nghiệm máu hoặc các kiểm tra hình ảnh để tìm giun hoặc trứng giun.
Xét nghiệm phân
Để chẩn đoán bệnh nhiễm giun đũa, kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra phân để xem có trứng hay ấu trùng giun hay không. Lưu ý là trứng giun sẽ không xuất hiện trong phân ít nhất 40 ngày sau khi bạn bị nhiễm giun đũa.
Xét nghiệm máu
Tình trạng nhiễm giun đũa có thể làm tăng cao lượng bạch cầu ái toan. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm máu để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu ái toan (là một loại tế bào máu trắng). Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán được bạn có nhiễm giun đũa hay không.
Kiểm tra hình ảnh
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang, siêu âm hay CT scan và MRI. Bằng các phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện giun đũa chặn các ống dẫn trong gan hay tuyến tụy của bạn hoặc trong phổi và khoang bụng.
Phương pháp điều trị bệnh giun đũa
Điều trị chỉ có kết quả khi giun ở giai đoạn trưởng thành.
- Thuốc được sử dụng là Mebendazole , Albendazole hoặc Pyrantel pamoate. Liều dùng tùy thuộc vào nhiễm giun đũa đơn thuần hay nhiễm kèm các loại giun sán khác.
- Một số thuốc có chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hay cho con bú… Vì vậy, cần đến khám và sử dụng thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
- Bên cạnh đó, cần điều trị các biến chứng tại chỗ do giun gây ra trong quá trình di trú. Viêm phổi do giun đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm. Giun gây viêm, tắc đường mật, tắc ruột được điều trị với thuốc giảm đau, giảm co thắt và các thuốc hỗ trợ khác.
- Thuốc tẩy giun được sử dụng sau khi hết các triệu chứng đau cấp và chức năng ruột được hồi phục.
Trường hợp các điều trị nội khoa thất bại, người bệnh vào bệnh cảnh cấp tính nguy hiểm, bác sĩ sẽ cho chỉ định phẫu thuật.
Biện pháp phòng ngừa bệnh giun đũa
Để phòng chống nhiễm giun đũa, cũng như các loại ký sinh trùng khác nói chung, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là thực hành vệ sinh sạch sẽ.
- Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên với nước sát trùng.
- Luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội.
- Hạn chế ăn rau sống; nếu cần, nên rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần với nước rửa rau chuyên dụng.
- Không đi chân trần; nếu làm vườn, dọn rác, cây cỏ, cần đi ủng, mang khẩu trang, găng tay. Không được dùng phân tươi để bón rau, bón cây.
- Đối với nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt trùng thân thiện môi trường.
- Đồng thời, cần có thói quen uống thuốc tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng cho cả gia đình. Thuốc có tác dụng không chỉ trên giun đũa và còn giúp diệt trừ các loại giun sán khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.