Nhiễm giun kim: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Nhiễm giun kim là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiểu rõ về bệnh, cách phòng ngừa và điều trị sẽ giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn tình trạng này.
Tổng quan chung
Bệnh giun kim là bệnh do nhiễm ký sinh trùng giun kim khi nuốt phải trứng giun, giun kim sẽ ký sinh vào cơ thể con người để tồn tại và sinh sản. Nhiễm giun kim là một trong những bệnh ký sinh trùng ở người khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể lây từ người này qua người khác, nên việc phòng ngừa không hề đơn giản.
Giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis, là loại giun tròn ký sinh cư trú chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng xuống ruột già của người. Giun trưởng thành có thời gian sống khoảng 1 – 2 tháng. Chúng có kích thước nhỏ, dài khoảng 10mm, màu trắng đục. Con cái to và dài hơn so với con đực, bên trong tử cung có chứa đầy trứng. Trứng giun có hình bầu dục, vẹt ở một đầu trông giống như hình hạt gạo.
Trứng giun kim có thể ở ngoài môi trường từ 2 – 3 tuần sau khi rời khỏi cơ thể người.
Dịch tễ giun kim:
Nhiễm giun kim ở trẻ nhỏ thường gặp hơn so với người lớn, nữ nhiều hơn nam và thành thị có tỷ lệ nhiễm cao hơn nông thôn.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun kim có sự khác nhau giữa các vùng miền, cao nhất ở Tây Nguyên với 50% người dân bị nhiễm giun kim, Bắc Bộ khoảng 29-43%, Nam Bộ khoảng 16-47%, miền Trung là 7.5%.
Triệu chứng của nhiễm giun kim
Về lâm sàng, nhiều trường hợp bị nhiễm giun kim nhưng không có triệu chứng gì.
Bệnh giun kim là bệnh có tính chất kéo dài và mãn tính, chúng thường gây nên các triệu chứng sau:
- Rối loạn tiêu hóa: Đầu tiên là ngứa hậu môn, ngứa thường xuất hiện vào buổi tối và lúc lên giường đi ngủ (do nhiệt độ của giường ấm nên dễ kích thích giun kim đẻ trứng). Rìa hậu môn tấy đỏ, sung huyết. Phân thường nát hoặc lỏng, đôi khi có máu hoặc chất nhầy, thỉnh thoảng tiêu chảy. Trẻ thường chán ăn hoặc ăn không tiêu, đôi lúc có buồn nôn hoặc nôn, đau bụng âm ỉ.
- Triệu chứng thần kinh: Trẻ thường bứt rứt, khó chịu, suy nhược thần kinh hoặc thần kinh bị kích thích gây khó ngủ, dễ khóc đêm. Nhiều tài liệu còn cho biết mắc giun kim là một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ.
- Người lớn mắc bệnh giun kim có thể gây nên chứng di tinh (nam giới), viêm âm đạo ở phụ nữ (ngay cả em gái) do giun kim chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra có thể gây rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh…).
- Giun kim cũng có thể xâm nhập và gây viêm phổi, thực quản, hốc mũi, cổ tử cung.
- Giun kim có thể gây viêm ruột thừa, làm thủng ruột…
Nguyên nhân bị nhiễm giun kim
Vô tình nuốt hoặc hít phải trứng giun kim sẽ khiến bạn bị nhiễm giun kim. Những quả trứng nhỏ (cực nhỏ) có thể được đưa vào miệng bạn bằng thức ăn, đồ uống bị ô nhiễm hoặc lấy tay cầm đồ ăn. Sau khi nuốt phải, trứng nở trong ruột và thành giun trưởng thành trong vòng vài tuần.
Giun kim cái di chuyển đến vùng hậu môn để đẻ trứng nên thường gây ngứa hậu môn. Khi bạn gãi vào chỗ ngứa, trứng cá sẽ bám vào ngón tay và chui vào móng tay. Sau đó, trứng được chuyển sang các bề mặt khác, chẳng hạn như đồ chơi, giường hoặc bệ ngồi toilet.
Trứng cũng có thể được chuyển từ ngón tay bị nhiễm sang thức ăn, chất lỏng, quần áo hoặc người khác. Trứng giun kim có thể tồn tại từ hai đến ba tuần trên bề mặt.
Đối tượng nguy cơ nhiễm giun kim
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun kim bao gồm:
- Trẻ nhỏ: bệnh giun kim không phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng lại thường gặp ở trẻ từ 5 – 10 tuổi. Trứng giun dễ lây lan từ người bệnh sang các thành viên trong gia đình, người chăm trẻ hoặc những trẻ khác.
- Sống ở nơi đông đúc: những người sống ở vùng dịch tễ thường có ca bệnh giun kim sẽ đối diện nguy cơ nhiễm giun kim cao hơn.
Chẩn đoán nhiễm giun kim
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thu thập trứng giun kim bằng kỹ thuật Graham (hay Scotch tape):
- Dán một miếng băng dính trong suốt lên vùng da nhăn quanh hậu môn ngay khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng.
- Trứng sẽ dính vào băng.
- Mang băng dính cho bác sĩ và làm theo chỉ dẫn.
- Bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu băng xem có trứng giun hay không.
- Tốt nhất là thực hiện kiểm tra băng ngay khi người bệnh thức dậy, trước khi tắm hoặc sử dụng phòng tắm.
- Lấy mẫu liên tiếp trong nhiều ngày sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.
Cách khác để chẩn đoán bệnh chính là trực tiếp nhìn thấy giun kim. Khi người bệnh ngủ, giun kim cái trưởng thành sẽ chui ra khỏi trực tràng để đẻ trứng quanh hậu môn. Những con giun nhỏ, mỏng, màu trắng xám quanh hậu môn này có thể nhìn thấy bằng mắt thường sau khi người bệnh ngủ thiếp đi.
Người bệnh có thể dính chúng lên băng keo hoặc nói cho bác sĩ biết rằng đã nhìn thấy giun. Ngứa hậu môn vào buổi tối hoặc ban đêm là triệu chứng điển hình của bệnh giun kim và việc tìm thấy giun trưởng thành hoặc trứng sẽ giúp xác định bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Cách điều trị bệnh nhiễm giun kim
Giun kim truyền từ người này sang người khác dễ dàng nên tất cả các thành viên trong gia đình người bệnh và bất kỳ ai tiếp xúc ở khoảng cách gần cũng cần điều trị để ngăn lây nhiễm hoặc tái nhiễm giun kim.
- Thuốc uống: Các loại thuốc được sử dụng để điều trị giun kim là Mebendazole hoặc Albendazole. Thuốc được sử dụng 1 liều và lặp lại cùng loại thuốc đó sau 2 tuần. Liều thuốc đầu tiên không thể tiêu diệt trứng giun kim hoàn toàn. Do đó, liều thứ hai sẽ ngăn giun con nở ra từ trứng không bị loại bỏ sau liều thuốc đầu. Thuốc chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi. Đối với người suy gan, suy thận thì nên thận trọng khi sử dụng thuốc.
- Thuốc bôi: kem hoặc thuốc mỡ có thể cải thiện tình trạng ngứa hậu môn.
- Dọn dẹp nhà cửa: ngoài uống thuốc, bạn thường xuyên dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa để có thể loại bỏ trứng giun kim. Tốt nhất, bạn dùng máy hút bụi ở khu vực trải thảm, tránh giũ quần áo và giường chiếu để trứng giun không văng vào không khí, khử trùng bất kỳ bề mặt nào có thể có trứng như sàn nhà, mặt bàn và bồn cầu.
- Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế làm các xét nghiệm kiểm tra. Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả rồi đưa ra chỉ định nên dùng loại thuốc nào cho thích hợp. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc, vì thuốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun kim
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác, nhất là ở trẻ em. Để phòng ngừa và tránh tái nhiễm bệnh này bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là việc cần thiết để không bị nhiễm giun.
- Ăn chín uống sôi, không nên ăn rau sống và các loại thực phẩm còn tái chưa được nấu chín vì có thể bị nhiễm ấu trùng giun.
- Thường xuyên phơi nắng ga giường, chiếu, chăn màn,…
- Tẩy giun định kỳ nhằm hạn chế sự phát triển của giun.
- Không đi chân đất, nên mang dép kể cả khi ở trong nhà.
- Đối với trẻ nhỏ, các mẹ nên dạy trẻ cách rửa tay sạch sẽ. Đồng thời các mẹ cũng nên cắt móng tay và không để bé mút tay, vì giun có thể xâm nhập vào. Đặc biệt, các mẹ không nên cho trẻ mặc quần bị thủng đít, vì giun rất dễ chui vào hậu môn của bé.
- Sau khi các mẹ dùng tay bắt giun ở hậu môn cho trẻ thì nên rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô. Để tránh trường hợp trứng giun lây nhiễm, khăn được dùng để lau khô tay phải được giặt sạch hoặc nhúng vào nước nóng và phơi nắng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.