Phân biệt hen suyễn và viêm phế quản: Hiểu rõ để điều trị hiệu quả
Hen suyễn và viêm phế quản thường bị nhầm lẫn với nhau do sự tương đồng trong triệu chứng, bao gồm ho, khó thở và tức ngực. Tuy nhiên, hiểu rõ sự khác biệt giữa hai tình trạng này là rất quan trọng để có hướng điều trị thích hợp và hiệu quả.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn, còn gọi là hen phế quản, là một tình trạng bệnh lý mãn tính của hệ hô hấp, khiến lớp niêm mạc ống phế quản viêm nhiễm và sưng lên, gây ra sự co thắt, làm giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Cơn hen khi nghiêm trọng gây ra cảm giác khó chịu, khò khè và khó thở.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc đường dẫn khí phế quản khiến cho các đường ống này bị thu hẹp lại và xuất hiện các chất nhầy, dịch mủ gây cản trở sự lưu thông của khí hít vào thở ra. Vì vậy, người bệnh viêm phế quản thường ho nhiều, tức ngực, khó thở, đờm màu xanh hoặc vàng, nóng sốt, rét run người…
Viêm phế quản thường chia làm 2 loại:
- Viêm phế quản cấp tính: diễn ra trong thời gian ngắn, có thể kéo dài vài tuần.
- Viêm phế quản mãn tính: có thể kéo dài hàng tháng hoặc vài năm.
Điểm khác nhau giữa viêm phế quản và hen suyễn
Viêm phế quản:
- Virus là nguyên nhân của 60-70% các trường hợp viêm phế quản. Các loại virus thường gây bệnh là các chủng có ái tính với đường hô hấp trên của loài người như hợp bào hô hấp, virus cúm hoặc Adenovirus.
- Viêm phế quản do vi khuẩn thường ít gặp hơn và chủ yếu là do tình trạng bội nhiễm thêm trong lúc sức đề kháng đang bị suy yếu. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp như Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae loại B (Hib), Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli…
Hen suyễn
Các nguyên nhân gây hen suyễn thường gặp bao gồm:
- Bệnh lý trào ngược dạ dày GERD
- Bụi nhà, phấn hoa, lông thú, mùi khói khí đốt, than đá
- Stress, tức giận
- Làm việc quá sức
- Dị ứng các thuốc Nsaid: Ibuprofen, Aspirin…
- Dị ứng thức ăn: hải sản, thịt gà, tôm, …
- Thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường
- Ban đêm: không khí lạnh
- Di truyền: Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh thì con khi sinh ra cũng có tới 30-35% nguy cơ mắc hen suyễn. Nếu cả cha và mẹ đều mắc thì tỉ lệ này tăng lên 50-70%. Nếu không có ai trong gia đình mắc hen phế quản thì khả năng mắc bệnh lý này ở trẻ chỉ rơi vào khoảng 10-15%.
Bảng tóm tắt điểm khác nhau giữa hen suyễn và viêm phế quản
Hen suyễn | Viêm phế quản | |
Dấu hiệu | – Ho kéo dài, lặp đi lặp lại – Ho thường xuất hiện về đêm, gây khó thở hoặc thở nhanh và gấp. – Không có các cơn sốt ớn lạnh. | – Ho có đờm màu trắng trong hoặc vàng hoặc xanh, đôi khi có lẫn máu. – Có cảm giác sốt nhẹ, ớn lạnh, khó chịu và tức ngực |
Nguyên nhân | Do yếu tố di truyền, tiền sử mắc bệnh dị ứng cơ địa hoặc do môi trường | Do virus hoặc vi khuẩn gây nên |
Đối tượng mắc bệnh | – Người có tiền sử gia đình mắc hen suyễn – Có cơ địa dị ứng, chàm | Mọi lứa tuổi, mọi giới tính |
Biến chứng | – Biến dạng lồng ngực – Chậm phát triển thể chất – Tâm phế mạn – Khí phế thũng – Tràn khí màng phổi – Tràn khí trung thất – Xẹp phổi – Suy hô hấp | – Viêm phổi – Viêm phế quản mãn tính – Suy hô hấp cấp |
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.