Rối loạn nhịp tim: Biện pháp và lời khuyên từ chuyên gia
Rối loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường, cần sớm gặp bác sĩ, thăm khám để phòng tránh những biến cố nguy hiểm do bệnh gây ra. bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về các yếu tố tác động, giải pháp phòng ngừa và lời khuyên dành cho người bị rối loạn nhịp tim.
Các yếu tố tác động đến rối loạn nhịp tim
Một số nguyên nhân gây nhịp tim nhanh như lo lắng, căng thẳng, thiếu máu, sốt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lạm dụng caffein. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác:
- Các vấn đề về nội tiết tố (tuyến giáp);
- Mất cân bằng điện giải;
- Tập thể dục cường độ cao;
- Tác dụng phụ của thuốc;
- Sử dụng một số loại thuốc (như cocaine).
Nhịp tim chậm khi ghi nhận chỉ số dưới 60 nhịp mỗi phút. Điều này có thể là bình thường đối với một số người, bao gồm cả vận động viên, thanh niên khỏe mạnh, cân đối hoặc những người dùng thuốc như thuốc chẹn beta. Một số nguyên nhân có thể gây nhịp tim chậm, bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Mất cân bằng điện giải.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Lớn tuổi.
- Hệ thống dẫn truyền của tim có vấn đề.
Ngoài tuổi tác, một vài yếu tố khác có ảnh hưởng đến nhịp tim khi nghỉ ngơi, bao gồm:
- Nhiệt độ không khí: Khi nhiệt độ hoặc độ ẩm tăng lên, tim sẽ bơm nhiều máu hơn, dẫn đến nhịp tim tăng lên.
- Thay đổi tư thế: Khi di chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng, mạch có thể tăng lên một chút. Sau một vài phút sẽ trở lại tốc độ bình thường.
- Cảm xúc: Nếu đang căng thẳng, lo lắng hoặc cảm thấy hạnh phúc, nhịp tim có thể tăng lên.
- Trọng lượng cơ thể: Người béo phì có thể thấy nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn so với người bình thường, vóc dáng cân đối.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc ngăn chặn adrenaline có xu hướng làm chậm nhịp tim. Ngược lại, thuốc tuyến giáp lại làm tăng nhịp tim.
Giải pháp phòng ngừa
Điều quan trọng nhất là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng hoặc ít nhất là 1 năm/ 1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị tốt các bệnh lý nguy cơ. Có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng, hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như caffeine và nicotine. Tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp. Tránh căng thẳng bằng các hoạt động như yoga, thiền hay vui chơi giải trí.
- Kiểm soát các yếu tố có nguy cơ cao gây loạn nhịp tim như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu và bệnh lý van tim. Nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu bạn có bất kỳ bệnh lý nền nào như suy tim, viêm màng ngoài tim hay bệnh van tim, hãy tuân thủ chế độ điều trị và theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Định kỳ thăm khám tim để phát hiện sớm các vấn đề và điều trị kịp thời. Kiểm tra tim định kỳ bao gồm kiểm tra nhịp tim, đo huyết áp, kiểm tra điện tâm đồ và các xét nghiệm, chụp chiếu khác.
- Luôn tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ và đảm bảo uống đúng liều thuốc khi được chỉ định.
Lời khuyên dành cho người bệnh
Khi điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim, ngoài sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim và điều trị theo đúng liệu trình của bác sĩ thì chế độ sinh hoạt cũng rất quan trọng. Việc có thói quen sinh hoạt phù hợp sẽ giúp hạn chế những diễn tiến của rối loạn nhịp tim.
Theo đó, hãy tập cho mình các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:
- Thường xuyên ăn thực phẩm tốt cho tim: Chất béo rắn, trái cây, rau và ngũ cốc, thực phẩm ít muối.
- Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục mỗi ngày, bài tập và cường độ tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Hạn chế uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
- Duy trì cân nặng ổn định.
- Kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp ổn định.
- Tái khám định kỳ.
- Ngoài ra, bạn có thể tham khảo 1 số liệu pháp thay thế và bổ sung để giảm bớt căng thẳng, điều hòa cơ thể như thiền định, yoga, các kỹ thuật thư giãn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.