Phương Pháp Phục Hồi Chức Năng Sau Liệt Mặt
Liệt mặt là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên khá phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng vận động cơ mặt. Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị hiệu quả và phòng ngừa các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến ngoại hình và sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh liệt mặt trên thế giới là khoảng 20 – 25 trường hợp trên 100.000 người. Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, với tỷ lệ 43 trường hợp/100.000 người. Trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn người lớn 2-4 lần, và rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi. Tại Mỹ, ghi nhận khoảng 40.000 – 50.000 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh liệt mặt mỗi năm. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng bệnh có xu hướng phát sinh nhiều hơn vào mùa xuân và mùa thu.
Liệt mặt là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Liệt mặt là gì?
Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt. Liệt mặt được chia thành liệt mặt kiểu trung ương (CN VII-Central lesion) và liệt mặt kiểu ngoại biên (CN VII-Peripheral lesion)
Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh liệt mặt hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng cũng có thể do một số nguyên nhân sau:
- Nhiễm trùng: Viêm tai giữa, viêm nhiễm vùng mặt hoặc tai có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh
- Chấn thương: Các chấn thương vùng mặt hoặc sọ có thể gây tổn thương dây thần kinh số VII
- Bệnh lý: Một số bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, hoặc các bệnh lý thần kinh có thể gây ra liệt mặt
- Liệt mặt do lạnh: Đôi khi liệt mặt có thể xảy ra khi tiếp xúc với gió lạnh đột ngột
- Nhiễm virus: chủ yếu nhóm virus herpes tiềm ẩn (herpes simplex, herpes zoster). Một số bệnh do nhiễm virus có thể gây ra liệt mặt như:
- Mụn rộp và mụn rộp sinh dục (herpes simplex)
- Bệnh thủy đậu và bệnh zona (herpes zoster)
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Epstein-Barr)
- Nhiễm trùng cytomegalovirus
- Bệnh đường hô hấp (adenovirus)
- Bệnh sởi Đức (rubella)
- Quai bị (vi rút quai bị)
- Cúm (cúm B)
- Bệnh tay chân miệng (coxsackievirus)
Dấu hiệu nhận biết
Dây thần kinh mặt không chỉ chi phối các các cơ vận động vùng mặt hàm, mà còn chi phối các cơ hoạt động không tự chủ bên trong của tuyến lệ, tuyến dưới hàm, cảm giác đến một phần của tai và vị giác cho 2/3 phía trước của lưỡi. Vì vậy, khi bị liệt mặt, tất cả các bộ phận liên quan đến các sợi thần kinh này đều bị ảnh hưởng và có thể xuất hiện các dấu hiệu bao gồm:
- Khô mắt, tuyến lệ hoạt động kém, sụp mí hoặc không thể nhắm hay nháy mắt
- Miệng chảy dãi hoặc không thể khép miệng, khó mỉm cười
- Mất khả năng cử động một bên mặt
- Miệng bị lệch sang một bên
- Dị cảm vùng trán, vùng khóe miệng
- Đau quanh tai, thái dương, xương chũm, góc hàm
- Thay đổi vị giác
- Nhạy cảm với âm thanh
- Rối loạn nhai nuốt hoặc lời nói
Phương pháp điều trị liệt mặt
Dùng thuốc
Một số nhóm thuốc có thể sử dụng tùy vào nguyên nhân và cần có chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa
- Có thể sử dụng corticoid để giảm phù nề chèn ép trong ống xương
- Thuốc chống virus cho những trường hợp có nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
- Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh: Thuốc có tác dụng phục hồi chức năng dẫn truyền thần kinh, giúp cải thiện triệu chứng liệt mặt
- Thuốc giãn mạch
- Bảo vệ dây thần kinh
Bảo vệ mắt
Một trong những vấn đề lớn nhất của bệnh liệt mặt là các tổn thương ở mắt do mắt nhắm không kín và phản xạ nhắm mắt chậm. Do đó, người bệnh cần bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng cho mắt nhằm tránh các biến chứng có thể dẫn đến suy giảm chức năng mắt. Người bệnh nên bảo vệ giác mạc khỏi bị mất nước, khô hoặc trầy xước bằng thuốc mỡ tra mắt ban ngày và ban đêm theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần thường xuyên đeo kính khi ra ngoài trời để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại như nắng, gió và khói bụi.
- Tập vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu giúp duy trì và cải thiện chức năng cơ mặt.
- Kích điện qua da: Ở những bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh mặt mãn tính, phương pháp kích thích điện qua da lâu dài có thể giúp điều trị bệnh. Phương pháp này giúp thúc đẩy tái tạo nội tâm thông qua kích thích điện, từ đó cải thiện tình trạng liệt mặt.
- Phẫu thuật: Các loại phẫu thuật dây thần kinh không có chỉ định trong liệt dây thần kinh mặt giai đoạn cấp, chỉ định thường sau giai đoạn tái tạo dây thần kinh mặt mục đích thẩm mỹ là chính trong các trường hợp liệt mặt nặng, điều trị nội khoa muộn để lại di chứng.
Phương pháp phục hồi chức năng sau liệt mặt
Phục hồi chức năng liệt mặt có thể tự làm tại nhà cùng với sự giúp đỡ của người thân. Các lưu ý quan trọng để chăm sóc người liệt mặt là:
Vật lý trị liệu
- Kỹ thuật kích thích cơ mặt: Sử dụng các kỹ thuật massage, điện xung, nhiệt trị liệu nhằm kích thích các cơ mặt bị liệt hoạt động trở lại.
- Bài tập vận động cơ mặt: Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động cơ mặt đơn giản, giúp tăng cường sức mạnh và khả năng kiểm soát cơ.
- Liệu pháp sinh học: Áp dụng các phương pháp như tiêm botox, châm cứu, bấm huyệt để cải thiện lưu thông máu, giảm co thắt cơ và kích thích tái tạo thần kinh.
Chăm chỉ xoa bóp vùng mặt với bài tập phục hồi chức năng liệt mặt cơ bản như sau
- Miết dọc theo sống mũi, khóe mắt kéo lên lông mày.
- Miết ngang từ lông mày ra hai bên thái dương.
- Day quanh mắt.
- Day quanh môi.
- Xoa miết cả hai bên má.
Giảm co thắt cơ
- Sử dụng thuốc chống co thắt cơ để giảm bớt tình trạng co cứng, co giật của các cơ mặt bị liệt.
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn cơ như thiền, yoga để giảm căng thẳng và hỗ trợ phục hồi chức năng.
Bảo vệ mắt
- Nhỏ thuốc nhỏ mắt, sử dụng kính bảo vệ mắt để tránh tình trạng khô mắt, tổn thương giác mạc do liệt mí mắt.
- Thực hiện các bài tập massage mắt để cải thiện lưu thông máu và chức năng mắt.
Hỗ trợ tâm lý
Liệt mặt có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của người bệnh. Do vậy, việc tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng.
Liệt mặt có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Việc hồi phục hoàn toàn sau liệt mặt phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương. Trong nhiều trường hợp, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, việc tuân thủ đúng các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.
Kết luận
Phục hồi chức năng sau liệt mặt là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia y tế. Việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, và áp dụng các phương pháp điều trị, phục hồi chức năng đúng cách sẽ giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại khả năng vận động của cơ mặt, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy luôn tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia và kiên trì trong quá trình điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.