Chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi - Cách phòng tránh
Bước vào giai đoạn xế chiều, giấc ngủ của con người thường gặp nhiều biến đổi do những thay đổi sinh lý, bệnh tật và lão hóa tự nhiên. Rối loạn giấc ngủ trở thành nỗi ám ảnh đối với người cao tuổi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Mối liên hệ giữa giấc ngủ và lão hóa
Quá trình lão hóa của cơ thể gắn liền với nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có giấc ngủ. Mối liên hệ giữa giấc ngủ và quá trình lão hóa cụ thể như sau:
- Nhịp sinh học bị phá vỡ do lão hóa: Nhịp sinh học ảnh hưởng trực tiếp đến mọi chu kỳ hoạt động hàng ngày của cơ thể như cơn đói, cảm giác buồn ngủ hoặc tỉnh táo. Theo các chuyên gia thần kinh, quá trình lão hóa có thể khiến các tế bào nhân siêu vi trong não bị suy giảm đáng kể. Đây là các tế bào thần kinh cảm nhận ánh sáng nằm ở vùng dưới đồi (dưới đáy não) có nhiệm vụ kiểm soát nhịp sinh học trong cơ thể. Sự suy giảm chức năng của tế bào nhân siêu vi do lão hóa có thể làm phá vỡ nhịp sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ, gây ra các rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
- Rối loạn hormone do lão hóa: Những thay đổi trong quá trình sản xuất hormone melatonin (hormone điều hòa giấc ngủ), cortisol (hormone căng thẳng) ở người cao tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.
- Bệnh lý thường gặp ở tuổi già: Ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến người cao tuổi dễ mắc phải nhiều bệnh lý mạn tính điển hình như viêm khớp, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh về hô hấp… Những căn bệnh tuổi già này tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường bao gồm:
- Gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ.
- Thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm hoặc lúc gần sáng khi chưa ngủ đủ giấc và không hoặc khó thể ngủ lại.
- Dễ ngủ vào ban ngày và gặp khó khăn khi đi ngủ vào ban đêm. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, người cao tuổi có thể không ngủ được vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Mệt mỏi, uể oải, đau đầu, đau mỏi vai, gáy sau khi thức dậy vào buổi sáng.
- Ngủ không sâu giấc, dễ bị đánh thức bởi những tác động rất nhỏ.
- Đôi khi, người cao tuổi cũng gặp chứng ngủ rũ, ngủ ngáy to, gặp ác mộng… Đây cũng có thể được xem là những triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
Nguyên nhân người cao tuổi mắc chứng rối loạn giấc ngủ
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi:
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ nguyên phát
- Suy giảm chức năng do lão hóa tự nhiên: Đây là hệ quả từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ở người cao tuổi, chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đã dần suy yếu. Khi đó, sự lưu thông máu não, chức năng hô hấp, bài tiết cùng với các hoạt động khác trong cơ thể đều không đạt năng suất gây ra các bất thường, trong đó có tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già.
- Ngưng thở hoặc gián đoạn hơi thở khi ngủ: Chứng ngưng thở hoặc gián đoạn hơi thở khi ngủ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ.
- Chứng chân không yên (RLS): Khi mắc phải hội chứng này, người cao tuổi luôn có cảm giác muốn cử động chân trong lúc ngủ, gây gián đoạn giấc ngủ.
- Hội chứng chân tay cử động trong vô thức (rối loạn tứ chi theo chu kỳ): Khi mắc phải hội chứng này, cơ thể hay bị co giật, chuột rút trong lúc ngủ (xảy ra tối đa 60 phút và sau 5 – 90 giây lặp lại 1 lần) ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.
- Chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Bao gồm những hành vi bất thường trong khi ngủ, xảy ra phổ biến ở người cao tuổi như cười nói, đánh, đấm, cử động tay chân, la hét, đột nhiên ngồi dậy và ra khỏi giường…
Do các bệnh lý nội khoa
Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ. Đơn cử như bệnh về xương khớp ở người già có thể hình thành những cơn đau nhức mạn tính xảy ra vào ban đêm, dẫn đến tình trạng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ nông…
Bên cạnh đó, người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về hệ hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn, ho khan kéo dài…), bệnh về đường tiêu hóa (viêm đại tràng, viêm dạ dày, đầy bụng…), bệnh liên quan đến hệ thần kinh (sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…), bệnh về nội tiết (tiểu đường, suy tuyến giáp…), bệnh về tim mạch (hở van tim, rối loạn nhịp tim…). Đây là những bệnh lý có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ của người già.
Do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến giấc ngủ ở người cao tuổi, điển hình như:
- Thuốc lợi tiểu thường dùng trong phác đồ điều trị tăng huyết áp, tăng nhãn áp.
- Thuốc kháng cholinergic dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc corticosteroid trị viêm khớp dạng thấp.
- Thuốc ức chế histamin điều trị bệnh dạ dày.
- Thuốc levodopa điều trị bệnh Parkinson.
- Thuốc adrenergic dùng trong trường hợp khẩn cấp như tim ngừng đập, hen suyễn.
Chẩn đoán và lời khuyên
Để chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn giấc ngủ, người cao tuổi cần trải qua quá trình thăm khám lâm sàng. Thông qua quá trình này, bác sĩ có thể nắm rõ những thông tin về triệu chứng, tiền sử mắc bệnh, lối sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, các loại thuốc đã và đang được sử dụng… Nếu kết quả thăm khám lâm sàng chưa đủ cơ sở để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể cần thực hiện các cuộc kiểm tra y khoa như:
- Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Dựa vào kết quả đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ có thể đánh giá được những thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ, chẳng hạn như nhịp thở, nồng độ oxy, điện não, chỉ số ngưng thở, nhịp tim, huyết áp, vận động cơ…
- Đo điện não đồ (EEG): Kết quả đo điện não đồ phản ánh chi tiết các mẫu sóng não. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện được những bất thường liên quan đến hoạt động của điện não đồ, tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
- Đo độ trễ của giấc ngủ (MSLT): Thông qua kết quả đo độ trễ giấc ngủ, bác sĩ có thể xác định được người bệnh có ngủ đủ giấc không. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về chứng rối loạn giấc ngủ.
- Các cận lâm sàng khác: Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp MRI, CT… để chẩn các bệnh lý có thể gây ra triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
Dưới đây là một vài lời khuyên giúp phòng tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ gặp chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Bởi vì người già có thể ăn uống kém, đồng thời quá trình lão hóa khiến cơ thể không thể hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tối ưu. Khi đó, người cao tuổi rất dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể và những vấn đề sức khỏe khác, trong đó có rối loạn giấc ngủ.
- Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống đa dạng các nhóm chất.
- Chia nhỏ bữa ăn (khoảng 4 – 6 bữa/ngày), ưu tiên thức ăn dễ nhai nuốt.
- Tiêu thụ nhiều rau xanh và trái cây.
- Hạn chế thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, muối…
- Tạo thói quen tích cực giúp ngủ ngon: Một số thói quen tốt cho giấc ngủ cần được duy trì điển hình như kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, uống đủ nước, thiết lập thời gian ngủ – thức vào khung giờ nhất định, uống nước hoặc sữa ấm trước khi ngủ, tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên…
- Loại bỏ thói quen tiêu cực gây rối loạn giấc ngủ: Một số thói quen xấu cần tránh để nâng cao chất lượng giấc ngủ, điển hình như ăn nhiều vào buổi tối, lạm dụng thiết bị công nghệ trước khi ngủ, ngủ quá nhiều vào ban ngày, lạm dụng các chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá, trà…).
Tuổi cao, giấc ngủ thường gặp nhiều vấn đề do thay đổi sinh lý, bệnh tật và lão hóa. Việc sử dụng các hoạt chất thiên nhiên an toàn, hiệu quả là giải pháp được nhiều người tin tưởng để cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người cao tuổi.