Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư
Sự lo âu có thể làm cho việc đối mặt với điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn. Nó cũng có thể gây trở ngại cho việc ra quyết định liên quan tới chăm sóc và điều trị của bạn. Vì vậy, nhận biết và điều trị lo âu là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là một rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ.
Chúng ta cần phân biệt giữa lo âu thông thường trong đời sống và lo âu bệnh lý. Sự khác biệt này có thể dựa trên các tiêu chuẩn như khả năng kiểm soát lo âu, cường độ, thời gian kéo dài… Lo âu được xem là bình thường khi phù hợp với chuyện gây lo âu và mất đi khi chuyện đó đã được giải quyết.
Rối loạn lo âu là những lo âu mà không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức, các triệu chứng thường nặng và gây nhiều khó chịu, kéo dài căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người bệnh.
Nguyên nhân rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư
Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư rất dễ xảy ra, nguyên nhân có thể là sự lo âu về những vấn đề sau:
- Phát hiện khối u, xuất hiện triệu chứng của bệnh.
- Làm xét nghiệm điều trị ung thư.
- Nghĩ về việc phải thường xuyên đến bệnh viện hoặc ở bệnh viện lâu để điều trị.
- Phương pháp điều trị ung thư, tác dụng phụ có thể gặp phải.
- Khả năng tái phát, di căn của khối u, thậm chí là đối mặt với cái chết.
Nguy cơ bị rối loạn lo âu ung thư cao hơn nếu người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh trầm cảm cũng như rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, sau khi phát hiện bị ung thư, người bệnh không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ về mặt cảm xúc của người thân, bạn bè hoặc phải đối mặt với gánh nặng tài chính liên quan đến điều trị ung thư thì cũng có thể bị rối loạn lo âu.
Vì sao bệnh nhân ung thư hay mắc bệnh rối loạn âu?
Điều trị rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư
Tùy vào triệu chứng, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của rối loạn lo âu ung thư đối với cuộc sống, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị phù hợp. Khi thực hiện tầm soát, bệnh nhân được khuyến khích truyền đạt rõ ràng cho nhân viên y tế về cảm xúc của bản thân, điều gì gây ra nỗi lo sợ, có biểu hiện như thế nào và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ra sao.
Điều trị rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều liệu pháp sau với nhau:
- Kỹ thuật thư giãn: Có thể chọn một trong những bài tập như hít thở sâu, giãn cơ, thiền, yoga, tưởng tượng theo hướng dẫn để thực hiện và thư giãn. Có thể kết hợp kỹ thuật thư giãn với các liệu pháp điều trị rối loạn lo âu ung thư khác hoặc không.
- Liệu pháp tâm lý: Các chuyên gia sức khỏe về tâm lý sử dụng công cụ để cải thiện những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh.
- Dùng thuốc: Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu ở mức độ từ trung bình trở lên có thể được chỉ định dùng thuốc để điều trị. Vì vậy, bệnh nhân ung thư cần cho bác sĩ biết về các loại thuốc điều trị cũng như thảo dược, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Dùng thuốc thường kết hợp với liệu pháp tâm lý để việc điều trị đạt hiệu quả. Thời gian dùng thuốc điều trị các vấn đề về tâm lý thường từ 6 – 8 tuần.
Rối loạn lo âu ở bệnh nhân ung thư cần phải được kiểm soát
Kết luận
Rối loạn lo âu là một thách thức lớn đối với bệnh nhân ung thư, nhưng điều quan trọng là bạn không đơn độc trong hành trình này. Hiểu và chấp nhận cảm xúc của mình là bước đầu tiên để tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị thích hợp. Hãy chia sẻ những lo lắng của bạn với người thân, bạn bè và đội ngũ y tế. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý để có được những phương pháp giảm lo âu hiệu quả nhất. Tự chăm sóc bản thân qua việc thực hiện các bài tập thư giãn, duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị sẽ giúp bạn cảm thấy vững vàng hơn. Nhớ rằng, bạn không phải đối mặt với bệnh ung thư một mình, luôn có những người sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ bạn.