Rối loạn tiêu hoá ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như thế nào?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng… Rối loạn tiêu hóa có thể là bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Bệnh lý có thể xảy ra ngay tại đường tiêu hóa nhưng cũng có thể xảy ra ngoài đường tiêu hóa. Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi người thường không giống nhau. Nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tùy từng trường hợp mà người bệnh có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác nhau. Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa?
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa, điển hình là một số nguyên nhân sau:
Do chế độ ăn uống:
- Ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm lên men, chua cay…
- Sử dụng đồ ăn không hợp vệ sinh, bảo quản không đúng cách, thực phẩm chế biến để qua đêm, thức ăn ôi thiu.
- Sử dụng nước ngọt có gas, đồ uống đóng chai…
- Đặc biệt sử dụng nhiều thức uống có cồn: Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, làm giảm men tiêu hóa, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, có thể làm tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Liên quan đến bệnh lý:
- Bệnh viêm đại tràng: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn tiêu hóa. Có thể do lỵ amip, Shigella và các tác nhân khác gây ra hội chứng ruột kích thích. Bệnh thường xuất hiện phổ biến ở nhóm đối tượng từ 30 – 40 tuổi, kể cả nam và nữ.
- Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản, viêm loét dạ dày: Ảnh hưởng nhiều đến chức năng tiêu hóa của dạ dày, một số trường hợp xuất hiện vết loét trong thành đường tiêu hóa dẫn đến bệnh nhân thấy đau rát khi dạ dày tiếp xúc với dịch vị, về lâu dài có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
- Viêm ruột thừa cấp: Xuất hiện những cơn đau dữ dội kèm các triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi, cứng bụng… Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng phúc mạc…
Do tác dụng phụ của thuốc trị bệnh:
- Một số loại thuốc kháng sinh đặc biệt dễ dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn và xảy ra hiện tượng đề kháng kháng sinh.
- Thuốc ức chế miễn dịch hoặc một số thuốc trong điều trị bệnh tiểu đường: nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây tác dụng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón…
Do lối sống căng thẳng stress:
Làm việc quá sức, ngủ không đủ giấc, ăn uống thất thường, dạ dày tiết acid quá mức.
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa?
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa phụ thuộc vào từng nguyên nhân, tuy nhiên nhìn chung có một số triệu chứng tiêu biểu như:
- Tiêu chảy: đi ngoài phân sống phân lỏng trên 3 lần/ngày. Phân đôi khi có lẫn chất nhầy, mùi tanh, sủi bọt hoặc có máu.
- Táo bón: đi ngoài không thường xuyên, khoảng từ 2-3 ngày mới đi một lần. Phân khô rắn, cứng, đóng khuôn. Bụng cứng, đau, mót đi cầu nhưng không đi được.
- Rối loạn đại tiện: đau nặng bụng từng cơn, khi thì táo bón, lúc thì tiêu chảy, việc đi đại tiện không đều đặn như trước.
- Đầy bụng, khó tiêu: một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất, bụng căng chướng khó chịu, liên tục bị ợ hơi, ợ nóng, đặc biệt là sau khi ăn xong.
- Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội: cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau.
- Chán ăn: cảm giác đắng miệng, ăn không ngon.
- Buồn nôn và nôn: đường tiêu hóa bị kích thích sẽ khiến việc hấp thu thức ăn bị giảm sút. Thức ăn có thể bị trào ngược lên thực quản gây nên tình trạng buồn nôn và nôn ói.
Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào?
Thông thường rối loạn tiêu hóa có thể được chữa khỏi và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể gây chán ăn và mệt mỏi dẫn đến suy nhược cơ thể. Đặc biệt, trong những trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài và gây mất nước mà không được bù điện giải có thể gây nguy hiểm tính mạng.
- Ảnh hưởng tới chế độ ăn uống: thường xuyên phải tránh những thực phẩm gây ra rối loạn tiêu hóa có thể dẫn đến việc ăn uống không đủ chất, thiếu hụt dinh dưỡng và cảm giác thèm ăn.
- Tác động tới tâm lý: Những người bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên phải đối mặt với sự lo lắng, căng thẳng và áp lực dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, uể oải dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, giảm các mối quan hệ xã hội thân thiết.
- Ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày: Các triệu chứng như đau bụng, táo bón, tiêu chảy và buồn nôn làm giảm hiệu suất làm việc, các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tiêu hóa và điều trị rối loạn tiêu hóa là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.