Hiểu biết rối loạn nhịp tim cách quản lý an toàn, hiệu quả
Rối loạn nhịp tim không chỉ là một tình trạng y tế nghiêm trọng mà còn là một thách thức hàng ngày đối với nhiều người. Việc hiểu biết và quản lý hiệu quả tình trạng này có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết và lời khuyên thiết thực để bạn có thể sống chung một cách an toàn và thoải mái với rối loạn nhịp tim. Từ việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo cho đến các chiến lược điều chỉnh lối sống và điều trị, mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho bạn kiến thức cần thiết để bạn có thể chủ động trong việc quản lý sức khỏe của mình và giảm thiểu rủi ro liên quan đến rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim và các ảnh hưởng đến cuộc sống
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
Trong cuộc sống thường ngày, rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện khi:
- Có rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress.
- Lao động gắng sức.
- Sử dụng một số chất kích thích như rượu, chè, cà phê, hút thuốc lá.
- Có các bệnh lý như: Thiếu máu cơ tim, các bệnh lý van tim, viêm cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần và bơm ra hơn 7.500 lít máu. Trong suốt cuộc đời khoảng 80 năm, trung bình trái tim của một người đập hơn 3 tỷ lần. Làm việc không ngừng nghỉ như vậy trong suốt một quá trình dài, thật khó để trái tim có thể tránh khỏi những lúc đập sai nhịp.
Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống. Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu những triệu chứng này diễn ra thường xuyên:
- Xuất hiện các cơn khó thở.
- Thở ngắn.
- Choáng váng, chóng mặt, xây xẩm, cảm giác mất cân bằng.
- Đánh trống ngực, tim đập mạnh trong lồng ngực kèm theo hụt hẫng.
- Hồi hộp, lo lắng.
- Có cảm giác tim ngừng đập một vài giây rồi đập mạnh trở lại.
- Đau tức ngực, có cảm giác ngực bị đè nén.
- Người mệt mỏi, yếu do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả.
- Ngất xỉu: đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim nặng và đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như ngất xỉu khi lái xe, leo cầu thang.
Nếu rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy tim
- Đột quỵ
- Ngưng tim đột ngột
- Nhồi máu cơ tim.
Chiến lược quản lý rối loạn nhịp tim
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm và khó chữa. Vì vậy, cần có chiến lược quản lý tốt rối loạn nhịp tim để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Hiểu biết về các dấu hiệu nhận biết, nguy cơ biến chứng nếu tình trạng rối loạn nhịp tim không được kiểm soát, cũng như các biện pháp phòng ngừa để nâng cao ý thức, tự chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và người nhà là rất quan trọng.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sử dụng các thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định như: Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, Digoxin…
- Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng phụ và hỏi kỹ bác sĩ khi chưa rõ cách sử dụng, đặc biệt các thuốc mạn tính.
- Điều trị tốt các bệnh lý nền: bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp,…kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, yoga, bơi lội, thể dục nhịp điệu, đi bộ,… có thể giúp ổn định nhịp tim, đồng thời tăng cường sức khỏe nói chung.
- Tránh căng thẳng vì lo âu, căng thẳng là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
- Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tim mạch. Bệnh nhân cần đảm bảo ngủ đủ giấc trong một đêm, từ 7-9 giờ.
- Không sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá vì chúng khiến cơ thể tiết ra hormone gây căng thẳng, làm co mạch, tăng nhu cầu sử dụng oxy khiến tim đập nhanh hơn. Đặc biệt, đồ uống có cồn dễ gây ra những đợt nhịp nhanh nguy hiểm.
- Ăn các nhóm thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Đặc biệt, chế độ ăn cần ít muối, chất béo bão hòa và thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn; uống đủ nước.
- Duy trì cân nặng lý tưởng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng, 1 năm/1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn.
Một số biện pháp có thể giúp giảm nhịp tim tại nhà như:
- Tạm ngưng các hoạt động đang làm: Nếu thấy tim đập nhanh đột ngột, hãy dừng ngay các việc đang làm và nghỉ ngơi tại chỗ. Lúc này đừng cố gắng vận động hoặc gắng sức sẽ khiến tim đập nhanh hơn.
- Uống nhiều nước: Tình trạng thiếu nước có thể khiến lưu lượng tuần hoàn giảm. Lúc này tim phải làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt, dẫn đến tăng nhịp tim. Một số trường hợp tim đập nhanh có thể kèm theo tăng huyết áp. Thiếu nước thường đi kèm với tình trạng rối loạn điện giải và cũng khiến tim đập nhanh hơn. Vì vậy, để giữ nhịp tim ổn định, nên uống đủ nước mỗi ngày và uống từng ngụm nhỏ, kể cả khi không khát.
- Làm mát cơ thể: Nhiệt độ tăng cao khiến tim dễ làm tăng nhịp tim do tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến da hỗ trợ làm mát cơ thể và bài tiết mồ hôi. Cách giảm nhiệt cơ thể nhanh chóng gồm mặc đồ mỏng nhẹ, thoáng mát, ở trong bóng râm, ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước,…
- Ho: giúp tim đập bình thường trở lại khi bạn hồi hộp, lo lắng. Bởi những cơn ho nhẹ có thể tạo áp lực nhất định lên lồng ngực, kích thích dây thần kinh phế vị giúp tim đập chậm lại.
- Thư giãn, hít thở: Khi tim đập nhanh, bạn có thể giảm nhịp tim bằng cách nằm hoặc ngồi thả lỏng, hít thở sâu. Để phòng tránh tình các rối loạn nhịp, cần luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ tích cực, thoải mái. Thiền hoặc các bài tập hít thở là những phương pháp đơn giản có thể áp dụng tại nhà để chữa rối loạn nhịp tim.
- Áp dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim bằng cách gây cường phó giao cảm như ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu, nghiệm pháp Valsalva…
- Sơ cứu bệnh nhân rối loạn nhịp tim: khi người bệnh có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, người xung quanh nên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi nhằm mục đích tránh thiếu máu não phòng ngừa chết não, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Như vậy, rối loạn nhịp tim là bệnh lý nguy hiểm, có loại có thể chữa khỏi, có loại khó chữa; bệnh có thể thoáng qua, hoặc thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng việc thực hiện lối sống lành mạnh, hướng tới cuộc sống tích cực, luôn giữ tinh thần lạc quan là vô cùng cần thiết, không chỉ giúp điều hòa tốt nhịp tim mà còn tốt cho sức khỏe nói chung.