Suy hô hấp ở người lớn: Triệu chứng, nguyên nhân, phòng ngừa
Suy hô hấp (tiếng Anh là Respiratory Failure) là tình trạng phổi không nhận đủ lượng oxy hoặc sự tích tụ quá nhiều carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này làm suy giảm oxy máu động mạch, kết quả làm chậm quá trình phân phối oxy đến các mô. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây nguy hiểm như tổn thương phổi, tổn thương não, hệ thần kinh,… Vậy suy hô hấp ở người lớn có triệu chứng gì và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Triệu chứng suy hô hấp ở người lớn
Hội chứng suy hô hấp ở người lớn có các triệu chứng khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân, nồng độ CO2 và O2 trong máu. Đối với bệnh suy hô hấp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện ban đầu như: thở nhanh, thở gấp, khó thở,… Khi đó, bệnh nhân cần được sơ cứu/ nhập viện ngay.
Có thể phân chia suy hô hấp cấp ra làm 2 loại:
- Loại nặng: Can thiệp bằng thuốc là chủ yếu, có thể giải quyết được bằng thuốc hoặc một số thủ thuật không đáng kể.
- Loại nguy kịch: phải can thiệp ngay bằng các thủ thuật sau đó mới dùng thuốc hoặc phải sử dụng song song (đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy…).
Triệu chứng khi bị thiếu oxy:
- Dễ bị buồn ngủ
- Khó thở, hay có cảm giác thiếu không khí
- Môi, ngón tay, ngón chân xanh xao, nhợt nhạt
- Cơ thể mệt mỏi, khó thực hiện các hoạt động cá nhân: mặc quần áo, đọc sách, lên xuống cầu thang,…
Triệu chứng khi nồng độ carbon dioxide tăng cao:
- Thị lực giảm khiến nhìn kém, nhìn mờ
- Đau đầu, có khi hay quên, lú lẫn
- Tim đập nhanh kèm hơi thở nhanh, gấp gáp
Một số trường hợp có thể có đồng thời triệu chứng thiếu oxy và carbon dioxide tăng cao cùng lúc. Triệu chứng này không phổ biến với mọi người.
Nguyên nhân suy hô hấp ở người lớn
Những người suy hô hấp giảm oxy máu đều có các tổn thương ở hệ hô hấp. Các tổn thương đó gây ảnh hưởng đến phổi, đến đường thở; hoặc tác động lên các tế bào mô hỗ trợ hô hấp. Các nguyên nhân suy hô hấp bắt nguồn từ phổi hoặc nằm ngoài phổi.
Nguyên nhân ở phổi
- Nhiễm trùng phổi: lao phổi, xơ phổi, viêm phổi, viêm phế quản phổi, tắc nghẽn phế quản, thuyên tắc động mạch phổi,…
- Phù phổi cấp do tim.
Nguyên nhân nằm ngoài phổi
- Nhiễm trùng thanh quản: u khí quản, u thực quản vùng cổ, tắc nghẽn thanh khí quản do u thanh quản,…
- Tràn dịch màng phổi: khiến dịch phổi tăng nhanh. Điều này làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh suy hô hấp.
- Gãy xương sườn: chấn thương lồng ngực làm tổn thương màng phổi và phổi.
- Tổn thương hệ thần kinh: làm ảnh hưởng tới hệ hô hấp ở các bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não.
Cách phòng ngừa suy hô hấp ở người lớn
Tuy không thể phòng ngừa tất cả nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp cấp, nhưng có thể phòng ngừa viêm phổi và một số căn bệnh liên quan đến đường thở khác bằng những biện pháp sau:
- Bỏ hút thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường chức năng phổi.
- Thiết lập thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, kiểm soát cân nặng, cân bằng cảm xúc.
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các bệnh lý khác.
- Tiêm vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, vi khuẩn Hib và biến chứng viêm phổi do cúm – đây là những nguyên nhân hàng đầu gây biến chứng suy hô hấp.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về hội chứng suy hô hấp ở người lớn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.