Tác hại bệnh trào ngược dạ dày và các cách phòng tránh
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh phổ biến hiện nay, không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng hay gặp phải. Đây là tình trạng trào ngược từng đợt hay thường xuyên các chất trong dịch vị dạ dày lên thực quản, gây ra những tác hại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như ung thư thực quản. Sau đây là những tác hại và biến chứng bạn cần lưu ý.
Tác hại của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thường hay gặp tại thực quản cụ thể bệnh nhân hay mắc tình trạng ợ chua và ợ nóng là dấu hiệu thường gặp nhất, rất khó chịu. Ngoài ra các triệu chứng khác được ghi nhận là: trớ ra thức ăn, khó nuốt, ứa nước bọt ở miệng, nuốt đau, nấc cục buồn nôn, nôn. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể đi kèm một số triệu chứng và biểu hiện ở tai mũi họng, hô hấp, đau ngực. Đau họng, viêm họng tái phát là triệu chứng gặp nhiều nhất vướng nghẹn ở cổ tiếp sau đó là ho kéo dài nhất là về đêm, có dấu hiệu đau tức ngực và các triệu chứng khác.
Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Viêm loét thực quản: tình trạng này do acid ở dạ dày trào ngược và tiếp xúc với lớp niêm mạc thực quản thường xuyên gây nên, nếu tình trạng liên tục kéo dài sẽ làm các vết loét chảy máu, gây đau, dấu hiệu nhận biết rõ ràng là đau, khó nuốt, ngay cả khi uống nước.
- Barrett thực quản: do lớp niêm mạc thực quản tiếp xúc quá thường xuyên với dịch acid dạ dày, bị tổn thương rồi lành lại, lại tiếp tục tổn thương và lành. Điều này khiến cho tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị thay đổi màu sắc và thành phần cấu trúc (như hình). Đây được xem là giai đoạn tiền ung thư thực quản.
- Ung thư thực quản: một biến chứng trào ngược dạ dày không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Trào ngược làm tăng khả năng xuất hiện một khối u ở niêm mạc thực quản. Nếu khối u này phát triển đủ lớn có thể sẽ phá vỡ thành thực quản và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Các khối u này có thể lây lan sang các cơ quan khác và tăng nguy cơ ung thư.
Các phòng tránh trào ngược dạ dày
- Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng trong khoảng lý tưởng và tránh béo phì, vì béo phì có thể làm tăng áp lực trong bụng và làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
- Tránh các tác nhân kích thích: Tránh thuốc lá và hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine (cà phê, trà) và đồ uống có cồn như rượu, bia, vì chúng có thể kích thích dạ dày và làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Tăng cường vận động: Tập luyện và duy trì lối sống tích cực, như tập yoga, bơi lội hoặc đi bộ mỗi ngày, giúp cơ hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ trào ngược.
- Nâng cao đầu giường: Nâng khoảng 15 – 20cm bằng cách đặt gối kê cao phía đầu giường để giúp trọng lực giữ cho acid dạ dày không trào ngược lên thực quản.
Nâng cao đầu giường phòng ngừa trào ngược dạ dày
- Tránh stress: Cố gắng giảm stress và áp lực trong cuộc sống hàng ngày, vì stress có thể làm tăng triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Nếu bạn cảm thấy dễ bị ợ chua hoặc trào ngược dạ dày sau khi ăn hoặc uống một số loại thực phẩm, hãy cân nhắc loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống của mình như đồ ăn cay nóng, chiên xào, nước ngọt có gas.
Luôn lưu ý rằng có thể gây ra nhiều rắc rối cho sức khỏe nếu không được quản lý đúng cách. Tuy nhiên, thông qua việc duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, và áp dụng một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh. Đừng quên tìm kiếm sự tư vấn y khoa nếu triệu chứng xuất hiện hoặc kéo dài, để bảo vệ sức khỏe của bạn trước những tác động tiêu cực của GERD
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.