Các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe cho người bị trào ngược dạ dày - thực quản
Trào ngược dạ dày– thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Ở Việt Nam, ước tính có tới hơn 7 triệu người đang bị mắc bệnh trào ngược dạ dày. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ làm giảm các triệu chứng khó chịu do căn bệnh này gây ra. Vậy người bị trào ngược dạ dày nên ăn uống như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người bị trào ngược dạ dày nên làm gì?
Các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản
Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể tự chăm sóc bản thân bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm:
- Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu,… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.
- Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…
- Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.
Thư giãn, giảm stress giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả
Một số thực phẩm nên ăn:
- Bánh mì, bột yến mạch: Loại thực phẩm này rất tốt trong việc giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế những tổn thương đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Đỗ, đậu: Đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đỏ,…chứa hàm lượng chất xơ cao cùng các amino acid…Đạm dễ tiêu
- Các loại đạm dễ tiêu bao gồm: Thịt thăn lợn, thịt ngan, thịt lưỡi lợn. Những loại đạm này góp phần giúp trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng của bệnh đối với người bị trào ngược dạ dày.
- Sữa chua: Sữa chua giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, không những thế trong sữa chua có chứa men lợi khuẩn cải thiện tiêu hóa. Người bị trào ngược dạ dày nên sử dụng sữa chua hàng ngày, tuy nhiên không nên ăn khi đói.
- Nghệ, mật ong: Nghệ, mật ong được sử dụng như một gia vị phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày mà nó còn hỗ trợ điều trị cho người bị trào ngược dạ dày thực quản rất hiệu quả. được lựa chọn tốt nhất dành cho người bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Tập thể dục: Đây là cách để nâng cao sức khỏe chung cho bệnh nhân, giúp máu lưu thông tốt hơn, cơ thể vận động khỏe mạnh và săn chắc hơn, hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn giúp phục hồi bệnh.
Một số thực phẩm người trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng:
- Đồ ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ và giàu chất béo: thức ăn nhiều cholesterol rất khó tiêu và khiến cho dạ dày dễ bị quá tải. Khi dạ dày chướng lên sẽ làm gia tăng áp lực đối với cơ thắt thực quản dưới. Lúc này để tiêu hóa thức ăn sẽ mất rất nhiều thời gian, dễ dẫn tới đầy bụng và gây trào ngược;
- Các loại hoa quả chát chứa nhiều nhựa như sung, hồng, hồng xiêm: các loại quả này vốn tiết ra nhiều nhựa, khi đi xuống hệ tiêu hóa sẽ cộng hưởng với axit trong dạ dày hình thành nên những cục nhỏ. Dần dần chúng sẽ biến thành các viên sỏi gây cản trở quá trình tiêu hóa;
- Thức uống, đồ ăn có tính axit cao: trái cây thuộc họ cam, chanh, bưởi,… mặc dù cung cấp nhiều chất xơ, nước và vitamin C cho cơ thể nhưng lại có vị chua và chứa nhiều axit nên không phù hợp cho những người mắc bệnh lý liên quan tới dạ dày;
- Socola: để sản xuất ra một thanh socola, người ta sử dụng rất nhiều sữa và chất béo. Tương tự cholesterol đã được đề cập ở trên, socola sẽ khiến dạ dày trở nên khó tiêu và ậm ạch hơn. Ngoài ra chất Methylxanthine có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản dưới, dễ khiến dịch vị dạ dày bị trào ngược. Đây là điều đáng buồn cho những tín đồ yêu thích socola;
- Muối: quá nhiều muối sẽ gây ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể như: tim mạch, thận, huyết áp cao và cả dạ dày. Do đó khi bị trào ngược dạ dày – thực quản, người bệnh nên giảm bớt muối trong quá trình chế biến món ăn;
- Bia rượu, thuốc lá, trà và cà phê: trong các sản phẩm này có một lượng lớn chất kích thích gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày, nhất là khi sử dụng vào lúc bụng còn đang đói, dân gian có câu là hay bị “cồn ruột”.
Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Với bệnh nhân trào ngược có triệu chứng bình thường, không nghiêm trọng thì nên áp dụng điều trị bằng thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Triệu chứng bệnh sẽ được đẩy lùi.
Phác đồ điều trị dùng thuốc
Khi triệu chứng bệnh nặng hoặc không đáp ứng với phác đồ điều trị trên, bác sĩ sẽ cần chỉ định thuốc điều trị. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa căn bệnh này hoàn toàn, việc điều trị chủ yếu làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, cải thiện chức năng cơ thắt tâm vị dạ dày,… Vì thế, nếu không tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định thì có thể bệnh càng nặng hơn và kéo dài dai dẳng.
Những loại thuốc thường dùng trong phác đồ điều trị trào ngược chuẩn gồm:
- Thuốc trung hòa acid: Trung hòa acid, bảo vệ và hỗ trợ làm lành niêm mạc dạ dày
- Thuốc điều hòa nhu động: Điều hòa nhu động thực quản, tăng áp lực cơ thắt thực quản dưới, giảm đau, khó chịu
- Thuốc giảm tiết acid dạ dày
- Thuốc ức chế bơm proton: giảm tiết acid dạ dày hiệu quả, nhà nhóm thuốc được sử dụng hàng đầu.
- Thuốc kháng Histamin: có tác dụng giảm bài tiết acid dạ dày, từ đó các triệu chứng ợ hơi, ợ chua cũng được cải thiện.
- Thuốc băng niêm mạc dạ dày: tạo lớp màng bảo vệ trên niêm mạc, ngăn chặn acid và các chất kích thích tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc, đồng thời hỗ trợ làm lành các tổn thương và giảm triệu chứng đau do viêm hoặc loét dạ dày.
Phẫu thuật điều trị
Không nhiều trường hợp bệnh nhân phải can thiệp đến phẫu thuật để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, chỉ khi bệnh nặng không đáp ứng với 2 phương pháp điều trị trên kết hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh đặc biệt.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe và bệnh lý để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Hiện có 2 phương án phẫu thuật được áp dụng như: Nội soi và phẫu thuật Nissen – fundoplication.
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi cho phép bác sĩ có thể quan sát chi tiết, nhiều góc cạnh trong toàn bộ cơ quan dạ dày – thực quản để xử lý chính xác. Phương pháp này giúp kiểm soát hiệu quả triệu chứng của trào ngược dạ dày, cũng hạn chế tổn thương vùng xung quanh.
Phẫu thuật Nissen – fundoplication
Kỹ thuật này sẽ can thiệp đến phần thực quản trong ổ bụng, đảm bảo chúng có độ dài thích hợp để không gây áp lực quanh đầu xa thực quản. Ngoài ra, những khiếm khuyết của lỗ thực quản cũng được khắc phục, bệnh nhân sẽ giảm được triệu chứng bệnh.
Các bài tập thể dục tốt cho người bị trào ngược dạ dày
- Bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước: Bơi lội hay tập thể dục nhịp điệu dưới nước là những bài tập toàn thân rất tốt cho cơ thể do nước tạo thêm sức căng cho cơ thể khi di chuyển, tạo ra trọng lượng mà không cần phải sử dụng dụng cụ khác.
- Đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe cố định: Đạp xe tốc độ cao có thể là tác nhân gây ra các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên đạp xe chậm, ít mạnh hơn có thể là 1 lựa chọn tốt, tránh hiện tượng trào ngược.
- Tập yoga: Yoga là môn tập luyện chậm và ít tác động, có thể giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, khi thực hiện các động tác, bạn nên cẩn thận với những tư thế mà đầu bị lộn ngược như trồng cây chuối, vì điều này có thể làm cho các triệu chứng trào ngược tồi tệ hơn.
Tập yoga tốt cho sức khỏe người bị trào ngược dạ dày thực quản
Bên cạnh đó, bạn có thể đi dạo hoặc đi bộ nhanh hay thực hiện một số bài tập nâng tạ nhẹ để giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý định vị cơ thể và tránh cúi xuống hoặc thực hiện bất kỳ động tác đẩy nào có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
Lưu ý khi tập luyện:
- Tránh tập thể dục ngay sau khi ăn: Tập thể dục ngay sau khi ăn có thể khiến tình trạng trào ngược dễ dàng xảy ra. Do đó, bạn nên thực hiện bài tập 2 giờ sau khi ăn do tại thời điểm đó, thức ăn đã di chuyển qua dạ dày và sẽ ít có khả năng trào ngược hơn.
- Sử dụng thực phẩm giàu carbs trước khi tập: Bên cạnh đó, nếu bạn ăn một hoặc hai giờ trước khi tập thể dục, hãy tránh những thực phẩm gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản như thực phẩm chứa nhiều chất béo, hoa quả chứa nhiều axit, rượu, bia… Thay vào đó, nên chọn thực phẩm bánh mỳ, bột yến mạch… hay những carbohydrate phức tạp do dạ dày chuyển hóa những thực phẩm này nhanh hơn.
- Tránh bài tập nằm ngửa: Tránh các bài tập đòi hỏi bạn phải nằm ngửa, điều này khiến trào ngược dễ xảy ra hơn. Bên cạnh đó, bạn nên bỏ qua các bài tập thể dục cường độ cao do có thể gây căng thẳng cho dạ dày.
- Uống đủ nước: Uống nước trong khi tập thể dục để giữ nước và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, đừng lạm dụng nó vì chất lỏng có thể trào ngược giống như thức ăn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: Thắt lưng chặt có thể gây thêm áp lực lên bụng và gây ra triệu chứng trào ngược.
Như vậy, thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hãy chủ động thực hiện những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe.