Thuốc Tetracyclin có tác dụng gì? Cần lưu ý điều gì khi sử dụng
Tetracyclin là một loại kháng sinh chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc được phân lập từ các loài Streptomyces. Tetracyclin có phổ kháng khuẩn rộng, được dùng theo sự kê đơn của bác sĩ.
Tìm hiểu về tetracycline
Mô tả Tetracyclin
Tetracyclin là một thuốc kháng sinh có phổ rộng với tác dụng kìm khuẩn do ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể bao gồm:
- Hoạt động bằng cách gắn vào và gây ức chế chức năng riboxom của vi khuẩn. Khi vào trong tế bào vi khuẩn, tetracyclin gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom. Từ đó, sẽ làm ngăn cản sự gắn kết aminoacyl tRNA và ức chế quá trình tổng hợp protein.
- Tuy nhiên, khi vi khuẩn kháng tetracyclin, vị trí gắn tetracyclin trên ribosom bị thay đổi. Do vậy, thuốc sẽ không gắn được vào ribosom của vi khuẩn và mất tác dụng.
Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc
Tetracyclin hấp thu tốt qua đường tiêu hoá ( 60- 70%) nên thường được bào chế dưới dạng uống như viên nang, viên nén, thuốc mỡ tra mắt…
Tùy theo từng dạng bào chế mà hàm lượng Tetracyclin trong các loại thuốc sẽ khác nhau:
- Viên nang, nén: 250 mg, 500 mg.
- Thuốc bột pha tiêm: Lọ 250 mg, 500 mg.
- Thuốc mỡ: 1%, 3%.
- Siro: 125 mg/5 ml.
- Sợi tetracycline trong nha khoa: 12,7mg/sợi.
Chỉ định
- Do mức độ kháng thuốc nghiêm trọng của vi khuẩn và do đã có nhiều loại thuốc kháng khuẩn khác nên cần hạn chế sử dụng tetracyclin. Tuy nhiên, thuốc vẫn còn một số chỉ định, cụ thể là:
- Nhiễm khuẩn do Chlamydia: Bệnh Nicolas Favre; viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm xoang do Chlamydia pneumoniae; sốt vẹt (Psittacosis); bệnh mắt hột; viêm niệu đạo không đặc hiệu do Chlamydia trachomatis…
- Nhiễm khuẩn do Rickettsia.
- Nhiễm khuẩn do Mycoplasma, đặc biệt các nhiễm khuẩn do Mycoplasma pneumoniae.
- Nhiễm khuẩn do Brucella và Francisella tularensis.
- Bệnh dịch hạch (do Yersinia pestis), bệnh dịch tả (do Vibrio cholerae).
- Trứng cá.
- Tham gia trong một số phác đồ trị H. pylori trong bệnh loét dạ dày tá tràng.
- Phối hợp với thuốc chống sốt rét như quinin để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng thuốc.
- Chỉ nên dùng tetracyclin khi đã chứng minh được vi khuẩn gây bệnh còn nhạy cảm.
Chống chỉ định
Chống chỉ định cho những người mẫn cảm với bất kỳ một tetracyclin nào.
Do việc sử dụng các thuốc nhóm tetracyclin trong quá trình phát triển của răng (nửa cuối thai kỳ và trẻ dưới 8 tuổi) có thể gây biến màu răng vĩnh viễn (vàng, xám, nâu) và thuốc có thể gắn vào và ảnh hưởng tới sự phát triển của xương, không dùng tetracyclin cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi.
Liều dùng phù hợp cho từng nhóm đối tượng bệnh
Thuốc Tetracyclin được sử dụng tùy theo từng đối tượng cụ thể. Dựa vào tình trạng bệnh để phân ra các liều dùng hợp lý:
- Mụn trứng cá nặng: Uống 500 mg 2 lần/ngày trong vòng 2 tuần tùy theo tình trạng bệnh.
- Viêm phế quản: Uống 500 mg sau mỗi 6 giờ trong vòng từ 7 đến 10 ngày, dựa vào tính chất và mức độ mức độ nhiễm trùng.
- Bệnh Brucella: Uống 500 mg 4 lần/ ngày trong vòng 3 tuần kết hợp với tiêm bắp streptomycin 1g 2 lần/ ngày trong tuần đầu tiên và một lần một ngày trong tuần thứ hai.
- Bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia: Uống 500 mg 4 lần/ ngày trong vòng ít nhất 7 ngày.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Uống 500mg sau mỗi 6 giờ trong 14 ngày kèm với bismuth, metronidazole, và một loại thuốc kháng H2.
- Bệnh Lyme – chứng viêm tim, viêm khớp: Uống 500 mg sau mỗi 6 giờ trong vòng từ 14 đến 30 ngày tùy theo tình trạng bệnh.
- Trẻ em trên 8 tuổi uống 25 – 50 mg/kg thể trọng/ngày chia 2 – 4 lần.
Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.
Tetracyclin có thể tương tác với những thuốc nào?
- Tetracyclin + penicilin: Tetracyclin làm giảm hoạt lực của penicilin trong điều trị viêm màng não do phế cầu khuẩn và có thể cả bệnh tinh hồng nhiệt. Tương tác này không chắc chắn có xảy ra đối với các nhiễm khuẩn khác hay không. Có thể sự giảm hoạt lực này chỉ quan trọng đối với các trường hợp cần diệt khuẩn nhanh chóng.
- Tetracyclin + thuốc chống acid: Nồng độ tetracyclin huyết tương giảm dẫn đến hoạt tính điều trị của kháng sinh giảm đi rõ rệt hay mất hẳn nếu dùng cùng với các thuốc chống acid chứa nhôm, bismuth, calci hay magnesi. Các antacid khác như natri bicarbonat làm tăng pH dịch vị cũng có thể làm giảm sinh khả dụng của một số chế phẩm có tetracyclin.
- Tetracyclin + thuốc lợi tiểu: Ðã có khuyến cáo không nên phối hợp các tetracyclin với các thuốc lợi tiểu vì tương tác này dẫn đến gây tăng ure huyết.
- Tetracyclin + các chế phẩm chứa sắt: Phối hợp tetracyclin với các muối sắt làm giảm rõ rệt hấp thu cả hai loại thuốc này ở ruột, dẫn đến giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh, hiệu lực điều trị giảm hay mất hẳn. Nếu bắt buộc phải dùng cả hai loại thuốc này, thời gian uống chúng phải cách xa nhau càng lâu càng tốt để tránh sự trộn lẫn hai thuốc này ở ruột.
- Tetracyclin + sữa và các sản phẩm từ sữa: Hấp thu các tetracyclin giảm đáng kể (đến 70 – 80%) nếu dùng cùng sữa và các sản phẩm từ sữa, dẫn đến giảm hay mất hẳn khả năng điều trị.
Thuốc tetracyclin gây ra những tác dụng phụ nào?
- Rối loạn đường tiêu hóa
- Viêm đại tràng giả mạc do C. difficile
- Nhiễm nấm candida
- Mẫn cảm với ánh sáng
- Gan nhiễm mỡ
- Rối loạn tiền đình
Tetracyclin là một loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tetracyclin cần được thực hiện cẩn thận và theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.