Tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng như thế nào tới phụ nữ mang thai
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện nay, phần lớn do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém khoa học. Chắc hẳn rất nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng khi bị tiểu đường type 2 thì có mang thai được không và ảnh hưởng tới thai kỳ như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguy cơ và biến chứng của tiểu đường tuýp 2 trong thai kỳ
Bệnh tiểu đường tuýp 2 (còn gọi là “đái tháo đường“) xảy ra khi có rối loạn liên quan đến insulin. Insulin có nhiệm vụ đưa glucose (đường) ra khỏi máu vào các tế bào sống và biến đổi chúng thành năng lượng. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng được nhu cầu insulin, nồng độ glucose tăng cao nhưng không được đưa vào tế bào mà chỉ nằm lại trong máu. Kết quả là nồng độ glucose trong máu (đường huyết) tăng lên. Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, suy giảm thị lực và suy thận.
Trên thực tế, người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai khi bị tiểu đường. Tuy nhiên, người tiểu đường có thai thường sẽ có một số rủi ro ảnh hưởng nhất định đến thai kỳ và con yêu.
Nếu bệnh không được kiểm soát tốt, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc phải một số biến chứng tiểu đường tuýp 2 trong thai kỳ như tăng huyết áp và tiền sản giật. Đây là hai biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của mẹ và con. Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai tự nhiên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2 trong tương lai, lặp lại tình trạng đái tháo đường trong thai kỳ ở những lần mang thai tiếp theo. Nguy cơ sinh mổ vì em bé quá to nếu bị tiểu đường thai kỳ.
Ảnh hưởng của tiểu đường tuýp 2 đối với thai kỳ
Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh khá to (thường là trên 4kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh như nguy cơ sai khớp vai xảy ra tới 50% các trường hợp bào thai có trọng lượng khi đẻ đạt 4,5 kg, đặc biệt nếu trẻ bị béo bụng khi đẻ đường dưới. Biến chứng này có thể dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt.
Nguy cơ suy yếu thai cao gấp 4 lần; dễ mắc các dị tật bẩm sinh (nếu mẹ bị đái tháo đường thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở thai nhi tăng gấp từ 4-8 lần so với thông thường đặc biệt là với các bà mẹ không thể kiểm soát đái tháo đường trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh cho con có thể là 5,1-9,8%).
Nguy cơ sinh non, trẻ gặp phải hội chứng suy hô hấp, thường phải chăm sóc đặc biệt sau sinh.
Nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn cho trẻ như rối loạn chuyển hóa, hạ glucose máu trẻ sơ sinh, hạ can-xi máu (do suy cận giáp trạng chức năng), tăng billirubin máu, chứng đa hồng cầu (do giảm oxy máu); nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Tiểu đường tuýp 2 nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.
Biện pháp phòng ngừa
Dưới đây là những biện pháp giúp phòng ngừa tiểu đường tuýp 2, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến thai kỳ:
- Kiểm soát đường huyết trước và trong thai kỳ là hết sức quan trọng vì đường huyết của mẹ tăng cao có thể gây ra một số dị tật bẩm sinh. Sản phụ cần được xét nghiệm, thăm khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý là một phần quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh, vì sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi chủ yếu phụ thuộc vào các thực phẩm mà bạn bổ sung hàng ngày. Ở phụ nữ mang thai khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống thậm chí còn quan trọng hơn. Ăn uống không đúng cách có thể khiến đường huyết tăng quá cao hoặc quá thấp, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.
Nên chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt…; những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp; ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
- Kiểm soát cân nặng trước và trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.
Hy vọng qua những chia sẻ này, giúp mẹ bầu có thêm kiến thức, tự tin có 1 thai kỳ khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.