Làm sao để phòng tránh bệnh COPD? Những điều cần lưu ý
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính, hay COPD, đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn thế giới. COPD không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể dẫn đến tử vong sớm nếu không được quản lý và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, khi COPD kết hợp với các bệnh đồng mắc khác, mức độ phức tạp và thách thức trong việc điều trị càng tăng lên. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về COPD, từ nguyên nhân, yếu tố rủi ro đến biện pháp phòng ngừa, giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và cách bảo vệ bản thân.
Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tên Tiếng Anh là Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) là tình trạng tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có 251 triệu ca mắc COPD trên toàn cầu trong năm 2016, chiếm khoảng 12% dân số từ 40 tuổi trở lên. COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm). Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Yếu tố cá thể:
- Gen: Thiếu α1-antitrypsin là yếu tố di truyền được xác định chắc chắn gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Sự tăng trưởng phổi: Liên quan với quá trình xảy ra trong giai đoạn mang thai, cân nặng lúc sinh và sự tiếp xúc với môi trường trong thời kỳ thiếu niên.
- Tuổi: Người già có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn ở người trẻ.
Yếu tố môi trường:
- Thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh và tử vong do COPD. Khoảng 15 – 20% số những người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có khoảng 80 – 90% các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tiền sử hút thuốc. Trẻ em trong gia đình có người hút thuốc bị các bệnh đường hô hấp với tỷ lệ cao hơn trẻ em trong gia đình không có người hút thuốc. Tiếp xúc thụ động với thuốc lá cũng có thể góp phần gây nên COPD.
- Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc nhiều với bụi và hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói), ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà (khói bếp do đun củi, rơm, than,…), có thể gây viêm cũng như phá vỡ cấu trúc phế quản và phổi, tình trạng này sẽ dẫn đến COPD.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em dưới 8 tuổi gây tổn thương lớp tế bào biểu mô đường hô hấp và các tế bào lông chuyển làm giảm khả năng chống đỡ của phổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bênh phổi tắc nghẽn mạn tính liên quan đến sự phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại: Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh COPD. Hút thuốc lâu dài hoặc hít phải khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm trong không khí sẽ làm tổn thương phổi và đường hô hấp.
Ở phổi khỏe mạnh, không khí hít vào sẽ đi xuống các ống phế quản, thường phân nhánh nhiều lần thành hàng nghìn ống nhỏ hơn, mỏng hơn gọi là tiểu phế quản. Những ống này kết thúc bằng những trùm túi khí tròn nhỏ gọi là phế nang, có tính đàn hồi hoặc co giãn.
Trong COPD, không khí đi vào và ra khỏi đường thở ít hơn vì một hoặc nhiều lý do:
- Đường thở và túi khí mất tính đàn hồi.
- Các bức tường giữa nhiều túi khí bị phá hủy.
- Các bức tường của đường hô hấp trở nên dày và viêm.
- Đường hô hấp tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường và có thể bị tắc.
Cách hòng ngừa mắc bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD?
Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh.
Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi tại nơi làm việc. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.
Hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách dọn dẹp nhà cửa và vật dụng thường xuyên, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, mỗi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động lành mạnh để tăng cường sức đề kháng. Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày 30-60 phút, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.