Trào ngược dạ dày thực quản: Dấu hiệu nhận biết và chế độ ăn uống phòng ngừa hiệu quả
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng acid dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác ợ nóng và khó chịu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Pharmacity sẽ tìm hiểu dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản và chế độ ăn uống phòng ngừa hiệu quả để giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn quản lý tình trạng này tốt hơn và cải thiện sức khỏe tiêu hóa của mình.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản (trào ngược dạ dày – GERD) là tình trạng axit dạ dày thường xuyên trào ngược trong thực quản – ống nối giữa dạ dày và miệng (trào ngược axit). Tình trạng trào ngược này có thể gây kích thích lớp niêm mạc thực quản, kích ứng thực quản, gây tình trạng ợ nóng và các triệu chứng khác.
Hầu hết người bệnh đều có thể kiểm soát triệu chứng trào ngược axit dạ dày bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc không kê đơn. Tuy vậy, một số người có thể cần dùng các loại thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật để làm dịu các triệu chứng.
Những đối tượng dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ sơ sinh đến người lớn và không phải lúc nào bác sĩ cũng tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có một số nhóm người được đánh giá là có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
- Đối tượng bị thừa cân hoặc béo phì dễ mắc bệnh do có thể tạo sức ép lên bụng
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ do tử cung mở rộng làm chèn ép một số bộ phận tiêu hóa, dẫn đến trào ngược
- Người phải dùng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs
- Những người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động do khói thuốc khi vào cơ thể qua đường thực quản, làm kích thích niêm mạc dạ dày
- Người bị liệt dạ dày, thoát vị hoành hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì
- Người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, ăn nhiều dầu mỡ, đồ chua, lười vận động, nằm liền sau khi ăn,… cũng là những đối tượng có nguy cơ bị trào ngược dạ dày.
Ngoài ra, căng thẳng hay stress do áp lực trong công việc và cuộc sống cũng là một trong những yếu tố thường gặp dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản đặc biệt ở người trẻ. Stress sẽ khiến cơ thể tăng tiết cortisol – gây tăng axit trong dạ dày, làm tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Căng thẳng quá mức cũng làm rối loạn nhu động thực quản khiến cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm, việc giãn mở cơ xảy ra thường xuyên và kéo dài làm cho dịch vị trào ngược lên thực quản.
Các mức độ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản có 5 cấp độ, tương ứng với mức độ nghiêm trọng tăng dần:
Cấp độ 0: Tải lượng của acid lên thực quản không đủ nhiều để làm tổn thương hoặc viêm loét thực quản. Ở cấp độ này, triệu chứng ợ nóng của người bệnh không rõ ràng, có thể bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý thông thường.
Cấp độ A: Đây là cấp độ phổ biến nhất của bệnh với 90% trường hợp trào ngược dạ dày thực quản thuộc cấp độ này. Thực quản của người bệnh trào ngược cấp độ A bị tổn thương nhẹ do acid, gây ra những triệu chứng nóng rát xương ức, ợ chua, cảm giác nghẹn khi nuốt thức ăn nhưng không cản trở nhiều.
Cấp độ B: Người bệnh có triệu chứng trào ngược dạ dày như khó nuốt, cảm giác nghẹn khi nuốt thức ăn rõ ràng hơn do thực quản bị viêm nhiễm, có những vết trợt trên niêm mạc với chiều dài trên 5mm, có thể hội tụ gần nhau hoặc nằm rải rác trong niêm mạc dạ dày, thực quản.
Cấp độ C: thực quản phải liên tục tiếp xúc với acid trào ngược quá nhiều, dẫn đến việc hình thành vết loét. Màu sắc và tế bào lót ở vùng thấp của thực quản cũng vì thế mà bị thay đổi, có thể gây ra Barrett thực quản. Người bệnh sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như ợ nóng, khó nuốt, buồn nôn hoặc nôn ra máu và đau tức vùng ngực.
Cấp độ D: Với cấp độ D, tình trạng tổn thương ở thực quản đã lan rộng. Những triệu chứng trào ngược dạ dày ở cấp độ C xuất hiện với tần suất cao và liên tục , đi kèm với sụt giảm sức khỏe thể chất. Cấp độ D của trào ngược dạ dày cũng là giai đoạn dễ phát triển thành ung thư nhất.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Các dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản có thể kể đến như:
- Cảm giác nóng ở ngực (ợ nóng), thường là sau khi ăn, có thể trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm
- Khó nuốt
- Đau ngực
- Nôn ra thức ăn hoặc tình trạng ợ lên nước chua
- Cảm giác có cục u ở cổ họng
Nếu bị trào ngược dạ dày về đêm, bạn sẽ có một số các dấu hiệu sau:
- Tình trạng ho kéo dài
- Viêm họng, viêm thanh quản
- Tình trạng hen suyễn nặng hơn hoặc có cơn hen mới
- Gián đoạn giấc ngủ
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp triệu chứng đau ngực, đặc biệt là thở nông, đau hàm hoặc đau cánh tay. Đây có thể là những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Bạn cũng cần đi khám nếu:
- Triệu chứng trào ngược axit dạ dày xuất hiện thường xuyên hoặc nghiêm trọng
- Dùng các loại thuốc không kê toa điều trị ợ nóng hơn 2 tuần
Chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa hiệu quả
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp làm giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế các tổn thương đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản. Ăn uống điều độ và lành mạnh sẽ giúp kiểm soát được cân nặng, từ đó giúp kiểm soát được tình trạng bệnh.
Có nhiều nhóm thực phẩm có lợi cho người bị trào ngược dạ dày thường được bác sĩ khuyên nên đưa vào thực đơn mỗi ngày như:
- Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám và yến mạch. Đây là lựa chọn được nhiều chuyên gia về tiêu hóa đánh giá cao bởi khả năng làm giảm lượng acid thừa trong dạ dày, làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn giúp hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa. Món này cũng có thể kết hợp cùng với các loại trái cây cũng như yến mạch, bánh mì.
- Các loại trái cây có chứa ít acid như lê, táo, chuối.
- Các loại đạm dễ tiêu như thịt ngan, thịt thăn lợn, thịt lưỡi lợn góp phần giúp làm trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng của bệnh đối với những người bị trào ngược dạ dày.
- Các loại cá được chế biến bằng cách hấp, nướng hoặc nấu canh.
Cần lưu ý một số các thực phẩm nên tránh trong quá trình điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
- Thức ăn nhiều chất béo và dầu mỡ sẽ khiến cho dạ dày làm việc vất vả hơn để tiêu hóa, thời gian tiêu hóa thức ăn kéo dài sẽ làm tăng các nguy cơ bị trào ngược.
- Cà phê, bia rượu và các loại thức uống có gas như nước ngọt sẽ làm trướng bụng và gây ra các tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày thực quản. Bia rượu cùng với các dạng thức uống có cồn khác nếu uống liên tục và kéo dài đều có gây ra nhiều tác hại cho tất cả mọi người, không chỉ riêng người bị bệnh trào ngược dạ dày.
- Các món ăn, trái cây có vị chua cũng sẽ làm tăng tiết dịch ở dạ dày, điều này gây ra những tác hại không tốt cho bệnh nhân.
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng không những góp phần giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, mà còn giúp hạn chế khả năng mắc những bệnh lý về đường tiêu hóa khác. Vì thế, việc chú ý đến những gì chúng ta ăn hàng ngày, và lựa chọn những thức ăn phù hợp là rất quan trọng. Ngoài ra, ngay khi nhận thấy bất thường về vấn đề tiêu hóa, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể được chẩn đoán đúng, điều trị sớm nhằm đạt kết quả cao và giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, cần bổ sung vitamin C cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, với chế độ ăn uống bằng các loại trái cây, rau củ như bông cải xanh, súp lơ, ớt chuông, cam, chanh, đu đủ, dâu tây, bưởi, kiwi,…
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra sự khó chịu nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Nhận biết sớm các dấu hiệu và tuân thủ chế độ ăn uống phòng ngừa hiệu quả là những bước quan trọng để giúp làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn và quản lý tình trạng này hiệu quả hơn.