Trẻ sơ sinh bị mụn hạt kê: nguyên nhân và cách chăm sóc
Trẻ sơ sinh luôn có hàng rào miễn dịch yếu hơn người lớn, vì vậy dễ mắc các bệnh khác nhau. Mụn hạt kê là cái tên được đặt dân gian, dùng để chỉ những nốt trắng nhỏ xuất hiện trên mặt của trẻ do tắc nghẽn nang lông dưới da. Vậy mụn hạt kê là gì?
Mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh là gì?
Mụn hạt kê (hay còn gọi là mụn sữa) ở trẻ sơ sinh có dạng sẩn kích thước 1 – 2mm, màu trắng, nhỏ li ti giống hạt kê, thường xuất hiện ở vùng mặt nơi có nhiều tuyến bã nhờn như mũi, cằm, 2 bên má hoặc ở cơ quan sinh dục của trẻ. Những nốt mụn này có thể xuất hiện ngay khi trẻ vừa mới chào đời hoặc một vài tuần sau khi sinh. Mặc dù trông nó giống như những nốt mủ trắng nhưng nhỏ hơn và không phải là nhiễm trùng. Hình ảnh mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh.
“Đây là một bệnh về da lành tính, thường sẽ tự biến mất sau một vài tuần hoặc vài tháng.”
Số lượng mụn hạt kê mọc nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Ở trường hợp nặng có thể thấy mụn hạt kê nổi ở cả vùng lưng, ngực và chân tay của trẻ. Thời tiết nóng nực, da trẻ quá ẩm dính hay bẩn cũng là yếu tố thúc đẩy làm mụn sữa nổi nhiều hơn.
Mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại chính:
- Mụn hạt kê nguyên phát: Do sự phát triển không hoàn chỉnh đơn vị tuyến bã nhờn và nang lông của da. Mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh thường là thể nguyên phát.
- Mụn hạt kê thứ phát: Xuất hiện sau một tổn thương da như bỏng da, trầy xước da, bóng nước trên da, sử dụng thuốc corticoid kéo dài,…
Nguyên nhân gây ra mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây ra mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh là chưa rõ, một số giả thuyết đặt ra là trong thời kỳ mang thai, hormone của người mẹ chuyển sang cho trẻ qua bánh nhau có thể kích thích tuyến bã nhờn của trẻ phát triển, tăng lên làm bít tắc các lỗ chân lông và gây ra mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh. Nếu trong thời kỳ mang thai mẹ có vấn đề sức khỏe cần dùng thuốc cũng có thể gây nên tác dụng phụ là mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh.
“Tuy nhiên tình trạng mụn hạt kê dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá sơ sinh hoặc chàm sữa.”
Mụn trứng cá sơ sinh cũng là những nốt sẩn nhưng viêm và có mủ, không cồi mụn, xuất hiện đặc trưng ở mặt vùng má và da đầu. Đây là bệnh do một loại nấm men Malassezia thường trú trên da gây ra. Chàm sữa hay viêm da cơ địa xuất hiện với những nốt sẩn có mụn nước trên nền hồng ban, có thể bóng nước gây rỉ dịch, đóng mài. Ngoài hai bên má, cằm, trán, chàm sữa còn có thể phát hiện ở vị trí cánh tay, khuỷu hay đầu gối của trẻ, trường hợp nặng có thể lan ra toàn thân. Bệnh chưa khởi phát ngay ở giai đoạn sớm mà thường gặp khi trẻ trên 2 tháng tuổi, vì vậy cần phân biệt với mụn hạt kê xuất hiện kéo dài.
Cha mẹ cần quan sát, chăm sóc bé kỹ lưỡng và khi nghi ngờ trẻ có các bất thường về da nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Hình ảnh trẻ bị chàm sữa.
Chăm sóc trẻ có mụn hạt kê Milia như thế nào?
Mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nếu trẻ không có hiện tượng ngứa ngáy hay quấy khóc khó chịu thì cha mẹ có thể yên tâm. Các chất bã nhờn bị ứ đọng trên da sẽ theo lớp thượng bì cũ tróc đi, da mới tân tạo thay thế thì da trẻ sẽ bình thường trở lại.
Cha mẹ cần tắm, rửa mặt sạch cho trẻ bằng nước ấm hàng ngày hoặc sử dụng sữa tắm dành riêng cho trẻ. Lưu ý nên pha nước vừa đủ ấm vì da trẻ mỏng manh nếu dùng nước quá nóng có thể gây phỏng rộp. Các vị trí xuất hiện mụn hạt kê cũng cần được làm sạch bằng nước ấm, tuyệt đối không bôi thoa theo các mẹo dân gian hay các thuốc bôi khác mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây nhiễm trùng da cho trẻ.
Quần áo của trẻ cần được giặt sạch bằng xà phòng lành tính và phơi khô tránh ẩm mốc. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mắt, hút mồ hôi, hạn chế ủ hay quấn trẻ bằng quá nhiều quần áo, chăn mền vì có thể bạn sẽ bỏ sót các đặc điểm trên da bé không nhìn thấy.
Nếu sau 3 tháng, mụn hạt kê trên da bé vẫn còn nhiều hoặc lan tràn hay sưng mủ thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện, phòng khám nhi khoa hoặc da liễu để thăm khám kịp thời, hạn chế bệnh trở nặng hay để lại sẹo trên da trẻ.
Tắm, rửa mặt sạch cho trẻ bằng nước ấm hoặc sử dụng sữa tắm dành riêng cho trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã đem đến cho bạn một cái nhìn tổng quát về tình trạng mụn hạt kê ở trẻ. Đây là một bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nếu cha mẹ biết cách chăm sóc đúng cách trẻ có thể tự khỏi hoàn toàn.
Câu hỏi thường gặp về mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh:
1. Mụn hạt kê có dễ nhiễm trùng không?
Mụn hạt kê không dễ bị nhiễm trùng, vì đó là các tuyến bã nhờn bị tắc nghẽn dưới da. Tuy nhiên, không nên tự ý bóp, nặn mụn để tránh tạo ra vết thương và có nguy cơ nhiễm trùng.
2. Mụn hạt kê có nên gõ, vỗ hoặc chà theo mẹo dân gian để làm cho chúng biến mất?
Không nên áp dụng các mẹo dân gian như gõ, vỗ hoặc chà để làm mụn hạt kê biến mất. Điều này có thể gây đau đớn và làm tổn thương da của trẻ.
3. Khi nào nên đưa trẻ đi thăm khám nếu trẻ bị mụn hạt kê?
Nếu mụn hạt kê trên da trẻ không biến mất sau 3 tháng hoặc có dấu hiệu sưng mủ, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.
4. Làm thế nào để làm sạch da và chăm sóc trẻ có mụn hạt kê?
Cha mẹ có thể tắm và rửa mặt sạch cho trẻ bằng nước ấm hoặc sử dụng sữa tắm dành riêng cho trẻ. Lưu ý không sử dụng nước quá nóng và không áp dụng các mẹo dân gian hay thuốc bôi không có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, quần áo của trẻ cần được giặt sạch và phơi khô tránh ẩm mốc.
5. Mụn hạt kê có thể gây sẹo không?
Thường thì mụn hạt kê không gây sẹo. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tự ý bóp, nặn mụn hoặc để trẻ cào, gãi mụn, có nguy cơ làm tổn thương da và gây sẹo.
Nguồn: Tổng hợp
