Triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) xảy ra khi các mạch máu bên ngoài tim của bạn bị thu hẹp. Nguyên nhân chính gây bệnh PAD là xơ vữa động mạch. Điều này xảy ra khi mảng bám tích tụ trên thành động mạch cung cấp máu cho cánh tay và chân. Mảng bám là một chất được tạo thành từ chất béo và cholesterol. Nó làm cho các động mạch bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Điều này có thể làm giảm hoặc ngừng lưu lượng máu, thường là đến chân. Nếu đủ nghiêm trọng, lưu lượng máu bị tắc nghẽn có thể gây hoại tử và có thể phải cắt cụt bàn chân hoặc cẳng chân.
Bài viết này giúp chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về bệnh động mạch ngoại biên là gì? Triệu chứng đặc trưng của bệnh? Và những biện pháp chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên?
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên (peripheral artery disease – PAD) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi. Một cách dễ hiểu là khi các mảng bám từ chất béo, cholesterol tích tụ lại trong các động mạch dẫn máu qua thời gian sẽ cứng lại, làm thu hẹp các động mạch hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan khác.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD), ảnh hưởng phổ biến nhất đến chân khi không nhận đủ lưu lượng máu. Do đó gây các triệu chứng như chuột rút hoặc đau chân khi đi bộ và triệu chứng đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi.
Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp ở động mạch chân
Khi bệnh động mạch ngoại biên diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến các chi bị thiếu máu trầm trọng, tạo nên các vết loét. Các vết loét thường xuất hiện ở ngón chân hoặc ở cả bàn chân, đặc biệt sau khi xảy ra chấn thương. Các vết loét thường có xu hướng nặng dần dẫn đến hoại tử, gây nhiễm trùng và dễ gây viêm tế bào.
Điều trị bệnh động mạch ngoại biên thường bao gồm thay đổi lối sống (như tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh) và sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp nặng hơn, phẫu thuật hoặc các biện pháp can thiệp khác có thể được áp dụng. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị bệnh kịp thời để ngăn chặn các biến chứng xảy ra như viêm nang động mạch, suy tim và đột quỵ.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên
Nhiều người mắc bệnh động mạch ngoại biên có triệu chứng nhẹ như đau chân, chân đi lại khập khiễng hoặc có thể không có triệu chứng.
Các triệu chứng đau cách hồi bao gồm đau cơ hoặc chuột rút ở chân hoặc tay bắt đầu khi tập thể dục và kết thúc khi nghỉ ngơi. Cơn đau thường cảm thấy nhất ở bắp chân. Cơn đau có mức độ từ nhẹ đến nặng. Đau chân nhiều khiến bạn khó đi lại hoặc khó thực hiện các hoạt động thể chất khác.
Các triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên thường gặp khác bao gồm:
- Cảm giác lạnh rõ rệt ở cẳng chân hoặc bàn chân, đặc biệt là khi so sánh với phần trên hoặc phần còn lại của cơ thể.
- Tê bì, giảm cảm giác, chuột rút, nhức mỏi vùng tổn thương
- Không có mạch hoặc mạch yếu ở chân hoặc bàn chân
- Khi động mạch bị tắc, chân sẽ đau buốt nhiều và hạn chế khả năng vận động của người bệnh, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang
- Đau nhức ở tay khi làm việc, chẳng hạn như đau và chuột rút khi đang viết hoặc làm các công việc chân tay khác
- Màu da thay đổi ở chân, nhợt là triệu chứng thường thấy, đi kèm với các điểm hoại tử đen, hoại tử khô ở đầu ngọn chi
- Móng và lông chân phát triển chậm hơn
- Các vết loét ở ngón chân, bàn chân lâu lành hoặc không lành dẫn đến hoại tử
- Không có mạch hoặc mạch yếu ở chân hoặc bàn chân
- Rối loạn cương dương, có thể bị liệt dương nếu mạch máu dẫn đến dương vật bị bít tắc
Ngón chân bị hoại tử khô do bị tắc mạch dẫn đến thiếu máu nuôi mô
Biện pháp chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên
Để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, Bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh mà người bệnh đang gặp phải.
Tiếp đến, tiến hành phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm được chỉ định để xác định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân như:
- Chụp động mạch: Phương pháp sử dụng tia X, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) để tìm kiếm tắc nghẽn trong động mạch. Trước khi chụp mạch, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào mạch máu, thuốc giúp động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh xét nghiệm.
- Đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI). Đây là một xét nghiệm phổ biến được sử dụng để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. Chỉ số này được xác định bằng cách chia số huyết áp tâm thu cổ chân cho huyết áp cánh tay
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra các tình trạng liên quan đến động mạch ngoại biên như cholesterol cao, chất béo trung tính cao và bệnh tiểu đường
- Siêu âm Doppler mạch máu: Biện pháp sử dụng sóng âm để xem máu di chuyển qua các mạch máu như thế nào. Siêu âm Doppler là một loại siêu âm đặc biệt được sử dụng để phát hiện các động mạch bị tắc hoặc thu hẹp.
Nếu bạn bị bệnh động mạch ngoại biên (PAD), Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn. Điều này có thể bao gồm thay đổi lối sống của bạn, dùng thuốc hoặc đối với những trường hợp nặng hơn là phẫu thuật. Vì vậy, nhận biết các triệu chứng của bệnh và được sự can thiệp của chuyên gia y tế kịp thời sẽ giúp bạn ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm và cải thiện sức khoẻ tốt hơn.