Những triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Tiểu đường gồm 2 loại là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Vậy tiểu đường tuýp 1 là gì? Và cách nhận biết tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường tuýp 1 là gì?
Bệnh tiểu đường type 1 còn gọi là bệnh đái tháo đường tuýp 1 là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy – nơi sản xuất insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Trong đó Insulin là một hormone giúp cho glucose từ máu di chuyển vào tế bào, từ đó chuyển hóa và tạo ra năng lượng. Bệnh thường ít gặp (<10%) và thường được chẩn đoán ở trẻ em hoặc người trẻ nên hay được gọi là bệnh đái tháo đường vị thành niên, tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi.
Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1
Đa phần người mắc tiểu đường tuýp 1 thường có những triệu chứng:
Triệu chứng điển hình
- Tiểu nhiều: lượng đường dư thừa trong máu cao dẫn tới tình trạng cơ thể sẽ đi tiểu nhiều hơn để loại bỏ đường.
- Uống nước nhiều: cơ thể bị mất nước do bị tiểu nhiều sẽ cố gắng bù vào bằng cách tạo ra cơn khát khiến bạn uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ngọt.
- Ăn nhiều: Khi glucose đi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu sẽ mang theo calo dẫn đến xuất hiện tình trạng nhanh đói, ăn nhiều.
- Gầy nhiều: do mất nước nhiều.
- Mệt mỏi: Đường không được chuyển vào tế bào dẫn đến tế bào không thể hoạt động do thiếu năng lượng, từ đó khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Trẻ em mắc tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện triệu chứng tiểu dầm trong khi trước đó có thể chưa từng ghi nhận tình trạng này ở trẻ.
Triệu chứng khi có biến chứng
- Biến chứng cấp tính: Nhiễm toan ceton biểu hiện bởi tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây, nếu nặng hơn bệnh nhân có thể lơ mơ, hôn mê và đe dọa tính mạng
- Biến chứng mạn tính: Nhìn mờ, tê bì, loét bàn chân, đầy bụng chậm tiêu
Biện pháp chẩn đoán tiểu đường tuýp 1
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG): ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ)
- Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).Bạn cần uống một lượng glucose tương đương với 75g trong 5 phút và xét nghiệm sau 2 giờ.
- HbA1c: Tiểu đường được chẩn đoán khi HbA ≥ 6,5% (48 mmol/mol).
- Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Để kiểm tra theo tiêu chuẩn đái tháo đường ADA, bạn cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu.
Nếu bạn và người nhà có nguy cơ cao mắc bệnh như béo phì, gia đình có người mắc bệnh,tăng huyết áp, tuổi trên 45 bạn nên đến cơ sở y tế xét nghiệm thường xuyên. Bạn nên tầm soát ít nhất mỗi năm 1 lần để phòng ngừa bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.