Triệu chứng và cách phòng tránh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu từ Globocan 2020, ung thư dạ dày đứng top 4 trong các mặt bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%. Đây là mặt bệnh thường xuyên nằm trong top những bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Qua bài viết này độc giả có thể tìm hiểu về triệu chứng và cách phòng tránh ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là gì?
Dạ dày nằm ở phần trên của bụng, là một phần của hệ tiêu hoá, tiếp nối giữa thực quản và ruột non. Dạ dày có chức năng chứa thức ăn, giúp hoà trộn các thức ăn và tiết ra các chất dịch giúp cho việc tiêu hoá. Ung thư dạ dày thường xảy ra khi các tế bào ở lớp bên trong của dạ dày phát triển và phân chia tế bào vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Theo thời gian, các tế bào này tạo thành khối u tại chổ, sau đó khối ung thư có thể lan sâu vào thành của dạ dày, rồi lan xa đến những cơ quan khác của cơ thể (gọi là di căn).
Triệu chứng của ung thư dạ dày
Quá trình phát triển bệnh ung thư dạ dày có thể ít nhất là vài tháng hoặc vài năm. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu hình thành khối u, nếu không tầm soát sớm thì sẽ không thể phát hiện ra bệnh. Bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhưng rất khó chẩn đoán vì thường không biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn sớm.
- Biểu hiện đầy tức bụng: Biểu hiện sớm ở khá nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày là đầy tức bụng. Ở thời gian đầu các biểu hiện đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét). Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng – xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày. Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn.
- Biểu hiện chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là biểu hiện đang gặp rắc rối với vị giác. Cho dù không phải lúc nào cũng đau bụng nhưng nếu có các khối u ở dạ dày thì rất có thể là nguyên nhân khiến chán ăn. Chán ăn là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày nên không được chủ quan và tốt nhất cần đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Mệt mỏi, sụt cân chưa rõ nguyên nhân: Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc nhiều người mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi kèm theo sụt cân nhiều trong thời gian ngắn rất có thể mắc bệnh trọng trong đó có ung thư dạ dày. Kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn… Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể đã mắc ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.
Phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường rất khó phát hiện và có diễn biến bệnh phức tạp, để ngăn ngừa nguy cơ ngoài việc thường xuyên kiểm tra tầm soát ung thư thường xuyên, bạn cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân:
- Hạn chế ăn quá nhiều các loại thịt đỏ, đồ muối chua hoặc thịt đã qua chế biến.
- Tăng cường các thực phẩm như rau xanh, trái cây.
- Ăn uống sinh hoạt điều độ, đúng giờ.
- Thường xuyên vận động và tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
- Chú ý đến các biểu hiện cảnh báo bệnh.
- Ăn uống sinh hoạt điều độ, đúng giờ.
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu nghi ngờ cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời. Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh ung thư dạ dày và cách phòng tránh. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.