Bệnh ung thư xương có di truyền không?
Ung thư xương là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của xương. Hiểu rõ về bệnh, các giai đoạn phát triển, khả năng di truyền và biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.
Bệnh ung thư xương là gì?
Ung thư xương là loại ung thư trong đó một khối u ác tính xuất hiện trong xương. Các tế bào gây ung thư thường phát triển rất nhanh và có khả năng phá hủy các mô xương khỏe mạnh, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Ung thư xương có thể xuất hiện ở bất kỳ xương nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở xương dài của tay và chân.
Ung thư xương bao gồm ung thư xương nguyên phát và thứ phát:
- Ung thư xương nguyên phát: Ung thư hình thành từ các tế bào của xương
- Ung thư xương thứ phát: ung thư bắt đầu từ một cơ quan bị ung thư khác của cơ thể và di căn đến xương. Ví dụ tế bào ung thư từ phổi di căn đến xương gọi là ung thư phổi di căn xương…
Ung thư xương nguyên phát thường có 3 loại chính, bao gồm:
- Sarcoma xương: Thường xuất hiện ở mô dạng xương (đầu gối, cánh tay), mô này có cấu trúc gần giống xương nhưng lượng chất khoáng ít hơn.
- Sarcoma sụn: Là ung thư ở mô sụn. Sụn là những mô đàn hồi và trơn có vai trò che phủ, bảo vệ đầu xương dài tại các khớp. Các vị trí hay gặp ung thư là xương chậu, đùi và vai.
- ESFs – Ung thư có tính chất gia đình Ewing Sarcoma: Là ung thư xuất hiện ở xương và mô mềm (cơ, mạch máu, mô mỡ, mô sợi hay các mô nâng đỡ). Ung thư loại này thường xuất hiện dọc xương sống, xương chậu, cẳng chân hay cánh tay.
Các giai đoạn của ung thư xương
Có nhiều cách phân giai đoạn ung thư xương trong đó cách phổ biến được các bác sĩ sử dụng hiện nay là phân loại theo 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khối u chỉ nằm trong xương và chưa lan rộng ra các mô xung quanh.
- Giai đoạn 2: Khối u phát triển nhưng vẫn nằm trong xương, tuy nhiên, các tế bào ung thư bắt đầu có xu hướng lan ra ngoài.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã lan rộng ra nhiều khu vực của xương nhưng chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác như phổi hoặc não.
Ung thư xương có di truyền không?
Theo các nghiên cứu, ung thư xương không phải là một bệnh lý di truyền phổ biến. Tuy nhiên, một số yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố này bao gồm các hội chứng di truyền như hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Rothmund-Thomson. Những người có tiền sử gia đình mắc các hội chứng này có nguy cơ cao hơn phát triển ung thư xương so với người bình thường.
Hội chứng Li-Fraumeni
- Hội chứng Li-Fraumeni là một rối loạn di truyền hiếm gặp, được đặc trưng bởi nguy cơ cao phát triển nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư xương, ung thư vú, ung thư não và nhiều loại ung thư khác. Đây là một hội chứng rất nghiêm trọng, thường xuất hiện ở độ tuổi trẻ và có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trong một gia đình.
- Hội chứng Li-Fraumeni chủ yếu được gây ra bởi đột biến ở gene TP53. Gene TP53 đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phân chia tế bào và ngăn chặn sự phát triển của khối u. Đột biến ở gene này làm mất chức năng kiểm soát, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của tế bào và hình thành ung thư.
Hội chứng Rothmund-Thomson
- Hội chứng Rothmund-Thomson (RTS) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến nhiều hệ thống của cơ thể, bao gồm da, xương, mắt và tóc.
- RTS thường được gây ra bởi đột biến ở gene REC QL4, một gen quan trọng trong việc sửa chữa DNA. Đột biến ở gene này dẫn đến sự thiếu hụt hoặc chức năng bất thường của protein REC QL4, từ đó gây ra các triệu chứng của hội chứng này.
Giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư xương bằng cách nào?
Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa được ung thư xương. Việc phát hiện bệnh sớm là hy vọng tốt nhất để điều trị bệnh thành công. Hầu hết các nguy cơ bên trong như chẳng hạn như tuổi tác, một số bệnh về xương và tình trạng di truyền… đều không thể thay đổi được.
Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ (thường là trong quá trình xạ trị), không có nguyên nhân gây ung thư xương nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường. Vì vậy tại thời điểm này không có cách nào để chống lại bệnh ung thư này. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ ung thư xương:
Chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung canxi, magie và vitamin D trong chế độ ăn hằng ngày.
- Giảm đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Tăng cường rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu acid béo Omega-3 thay thịt đỏ và thịt nạc…
Chế độ sinh hoạt
- Duy trì lối sống khỏe mạnh, tránh xa các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…), tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng.
- Hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng vào sáng sớm giúp giảm nguy cơ ung thư xương.
- Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV.
- Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh ung thư xương, cần lưu ý các dấu hiệu bất thường đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những dấu hiệu sớm của ung thư xương.
- Tránh tiếp xúc với hóa trị, xạ trị. Người còn trẻ tiếp xúc với hóa trị, xạ trị khi còn trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đặc biệt quan trọng đối với những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền liên quan đến ung thư.
Ung thư xương là một bệnh lý phức tạp và nguy hiểm, nhưng hiểu rõ về các giai đoạn, yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa có thể giúp bạn quản lý và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, ung thư xương không phải là một bệnh di truyền phổ biến, nhưng vẫn cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ di truyền và tiền sử gia đình. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để bảo vệ bản thân và người thân yêu khỏi nguy cơ mắc ung thư xương. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ với các chuyên gia y tế để được hỗ trợ kịp thời. Chúc bạn luôn mạnh khỏe!