Uốn Ván Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Biến Chứng
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng có tính chất cấp tính, đặc biệt nguy hiểm, khó phát hiện, dễ dẫn đến tử vong. Hãy cùng tìm hiểu các thông tin về căn bệnh uốn ván nguy hiểm qua bài viết dưới đây nhé!
Uốn ván và triệu chứng đặc trưng
Bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, do ngoại độc tố protein mạnh của trực khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố protein tetanospasmin được tiết ra và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Uốn ván được đặc trưng bởi hiện tượng tăng trương lực cơ, các cơn co cơ cứng với tỷ lệ tử vong của bệnh uốn ván rất cao, dao động từ 25-90%, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh với 95%. Bệnh phân bố rộng khắp tại các tỉnh thành trong cả nước và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong mùa nào trong năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tăng đáng kể ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các địa phương vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp.
Nguyên nhân gây bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván gây ra do vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh hoặc dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ. Những vết thương này có thể phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây ra bệnh uốn ván.
Vi khuẩn C. tetani là loại vi khuẩn gram dương có lông quanh thân và di động trong môi trường yếm khí. Trong tự nhiên, chúng thường tạo thành nha bào hình cầu tròn, tự do hoặc nằm ở một đầu của tế bào trực khuẩn, tạo thành hình dùi trống.
Biến chứng của bệnh uốn ván
Sau đây là những biến chứng bệnh uốn ván nếu không điều trị uốn ván kịp thời:
- Gãy xương: thông thường sẽ bị co thắt cơ hoặc co giật nhưng trường hợp nặng có thể bị gãy xương.
- Viêm phổi: Nếu hít vào dịch tiết của dạ dày sẽ bị nhiễm trùng hô hấp dần dần phát triển thành viêm phổi.
- Co thắt thanh quản: gây khó thở, ngạt thở dẫn đến suy hô hấp và tử vong
- Động kinh: Nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến não, người bị bệnh uốn ván có thể gặp phải tình trạng tương tự như động kinh.
- Thuyên tắc phổi: Một mạch máu trong phổi có thể bị tắc nghẽn và làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn. Bạn cần điều trị bằng oxy và thuốc chống đông máu.
- Suy thận nặng (suy thận cấp): Co thắt cơ nghiêm trọng có thể dẫn đến sự phá hủy cơ xương khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu gây suy thận nặng.
Ngoài ra, bệnh uốn ván có thể có biến chứng “rối loạn thần kinh thực vật” biểu hiện bởi hiện tượng rối loạn nghiêm trọng về nhịp tim (lúc rất nhanh, lúc lại rất chậm), huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), và nhiệt độ cơ thể (có thể tăng cao liên tục 40 – 41 độ C), dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, có thể gặp các biến chứng liên quan đến bệnh nhân nằm tại khoa hồi sức với thời gian kéo dài như nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi do thở máy (nhiễm các tác nhân đa kháng kháng sinh), teo cơ – cứng khớp… Nếu bạn có các bệnh lý nền tiềm ẩn như bệnh tim mạch, gan thận, đái tháo đường… sẽ có nguy cơ làm nặng nề thêm tình trạng bệnh lý. Kể cả khi bệnh hồi phục có thể xuất viện, phần lớn các trường hợp bị uốn ván vẫn chưa thể quay trở lại công ăn việc làm trước đó do hậu quả cứng cơ khớp đã nêu và tình trạng cứng cơ khớp này có thể kéo dài 6 – 12 tháng tùy theo từng cá nhân.
Uốn ván nguy hiểm, gây tử vong với tỷ lệ cao, nhất là đối với trẻ em. Nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc xin uốn ván phối hợp, nhằm giảm thiểu lần tiêm và số lượng mũi tiêm, giúp trẻ giảm đau và bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm.