Các loại viêm màng não, cách điều trị và phòng ngừa
Viêm màng não là một bệnh khá nguy hiểm và tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc phải. Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh viêm màng não, các loại bệnh viêm màng não và cách điều trị viêm màng não.
Viêm màng não là gì?
Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng, viêm lớp màng bao bọc não và tủy sống (màng não) với các triệu chứng điển hình gồm đau đầu, sốt, cứng cổ. Tình trạng này có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng hay do các vấn đề sức khỏe khác.
Trong đó, phổ biến nhất là viêm màng não do virus, tiếp đến là vi khuẩn và hiếm khi bệnh xảy ra do nấm, ký sinh trùng hay các nguyên nhân khác. Viêm màng não do vi khuẩn được đánh giá là có diễn tiến nhanh chóng, nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Viêm màng não do virus có thể tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách.
Hình ảnh viêm màng não
Phân biệt các loại bệnh viêm màng não
Viêm màng não do não mô cầu
- Vi khuẩn não mô cầu là tác nhân gây viêm màng não, viêm não khá phổ biến. Trẻ em và người lớn tuổi là 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất.
- Viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, với các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột trong khoảng 39 đến 40 độ C, đau đầu dữ dội (ở trẻ quấy khóc rất nhiều), nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ), dấu hiệu cổ cứng là đặc trưng cho tình trạng bệnh (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.
- Bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị tích cực. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh rất cao; đồng thời nguy cơ phát triển thành ổ dịch là rất lớn nếu không có các biện pháp khống chế kịp thời.
Viêm màng não do phế cầu khuẩn
- Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm màng não thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, phổi, thận mãn tính, suy giảm miễn dịch,… và ở người lớn; đặc biệt là người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch… Bệnh nhân viêm màng não do phế cầu thường có các ổ áp xe cận kề sọ não hoặc các cơ quan khác như tai giữa, tai xương chũm, xoang, nội tâm mạc, phổi,..
- Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu trong một vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như nôn mửa, nhạy cảm ánh sáng, ăn không ngon, đau cứng cổ, rối loạn ý thức, li bì, ngủ gà,…
- Viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ lên đến 8%, ở người lớn là 22%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể hứng chịu những di chứng nặng nề kéo dài. Có đến 21% trẻ sống sót sau bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn bị mất thính lực. Một số trường hợp khác rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, vận động, thỉnh thoảng lên cơn co giật.
- Phế cầu khuẩn không chỉ đe dọa sức khỏe, cuộc sống và tương lai của chính bản thân người bệnh, mà còn là gánh nặng to lớn với gia đình, xã hội và ngành y tế.
Viêm màng não do các virus đường ruột
- Virus đường ruột (hay Enterovirus) lây truyền qua đường tiếp xúc phân – miệng hoặc hô hấp, thường gây bệnh ở trẻ em, người trẻ tuổi và xuất hiện vào mùa hè.
- Virus Coxsackie nhóm A và B, virus ECHO gây viêm màng não nước trong, có thể kèm bại nhẹ. Biểu hiện thường gặp của bệnh là mệt mỏi, sốt, đau đầu, nôn và hội chứng màng não. Một số chủng virus Coxsackie nhóm A và B biểu hiện bằng hội chứng tay, chân, miệng với nốt phồng ở niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Một số loại Enterovirus khác gây đau cơ ngực, cơ bụng, viêm cơ tim.
- Phần lớn các ca bệnh do virus đường ruột thường diễn biến lành tính và khỏi hoàn toàn. Nhưng cũng có một số bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.
Viêm màng não do Haemophilus influenzae typ B (Hib)
- Haemophilus influenzae typ B (hay Hib) là nguyên nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em dưới 6 tuổi. Ở người lớn, viêm màng não do Hib thường liên quan đến các ổ nhiễm khuẩn cận kề như viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm tai giữa, hay một số bệnh lý tiềm tàng như viêm phổi, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,…
- Viêm màng não do Hib có thể đi kèm một số biểu hiện của nhiễm khuẩn toàn thân như viêm cơ, viêm phổi, viêm mủ hầu họng, viêm xương tủy, nhiễm khuẩn huyết,… Triệu chứng lâm sàng của viêm màng não do Hib thường không có nhiều khác biệt với so với các bệnh viêm màng não khác: sốt, đau đầu, nôn,…
- Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do Hib thường rơi vào khoảng 5%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể có một số di chứng về thần kinh như giảm thính lực, điếc, chậm nói, não úng thủy.
Cách điều trị bệnh viêm màng não
- Viêm nhiễm màng não là một loại bệnh phức tạp, cần có sự can thiệp y tế kịp thời và đúng cách. Tuy vào bệnh nền, mức độ nhiễm trùng và nguyên nhân gây ra bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân khác nhau.
- Thông thường, điều trị bệnh này sẽ dựa vào một số nguyên tắc như: Điều trị dựa vào nguyên nhân (do vi khuẩn, do ký sinh trùng, do nấm, do virus hay bệnh mãn tính), điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm áp lực nội sọ với thuốc lợi tiểu và một số thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, giảm tình trạng nôn ói,…
Các phương pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não
Hiện nay, bệnh này thuộc nhóm bệnh có biến chứng nguy hiểm và có tỉ lệ không qua khỏi rất cao. Vậy nên, để hạn chế mắc bệnh viêm màng não, bạn có thể thực hiện một số cách phòng ngừa như sau:
- Không chia sẻ đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt khi mình đang nhiễm bệnh hoặc ngược lại.
- Giữ khoảng cách an toàn với người bệnh, ít nhất 1m và che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước kháng khuẩn.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc.
- Chăm sóc sức khỏe đặc biệt khi có bệnh lý mãn tính hoặc sử dụng thuốc giảm miễn dịch.
- Tiêm phòng vắc xin như: Vắc-xin VA-Mengoc-BC – CuBa, vắc-xin Menactra – Mỹ, vắc-xin Bexsero – Anh, vắc-xin Synflorix – Bỉ, vắc-xin Prevenar 13 – Bỉ, vắc-xin Hib (Haemophilus influenzae týp B).
Chủ động phòng ngừa viêm màng não bằng cách tiêm vaccine
Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh viêm màng não và phân loại viêm màng não.